Thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo khu vực Nam Bộ

Ngày 21/12 tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Tài chính – Marketing đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ”.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, kết luận Hội thảo.

Theo phê duyệt Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất điện mặt trời là 12.836 MW; trong đó, điện mặt trời tập trung là 10.236 MW, điện mặt trời tự sản tự tiêu 2.600 MW. Phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung cầu nội vùng là một điểm quan trọng trong định hướng phát triển điện lực quốc gia.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, quốc gia nào đi trước, kiểm soát và làm chủ công nghệ, làm chủ sản xuất năng lượng tái tạo sẽ thuận lợi trong an ninh năng lượng và tạo điều kiện thúc đẩy lợi thế cạnh tranh và thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, khu vực Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời, thủy điện…

Theo ông Vũ Tuấn Hưng, sự phát triển năng động với cực tăng trưởng là TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhu cầu về năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo rất lớn. Ngoài ra, khu vực Nam Bộ hiện đang có thêm cơ hội xuất khẩu năng lượng tái tạo, tạo giá trị gia tăng và vươn xa chủ động nâng cao tầm ảnh hưởng, vị trí của Việt Nam. Đây là cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Từ năm 2018 - 2022, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về quy mô. Đến cuối năm 2022, ước tính sản lượng điện phát từ năng lượng tái tạo đạt 130 tỷ kWh, chiếm khoảng 48% sản lượng điện phát của hệ thống điện Việt Nam (35% thủy điện, 13% điện gió, mặt trời và sinh khối). Tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu phát điện của hệ thống điện Việt Nam cũng tăng nhanh, từ 27% năm 2010 lên 48% năm 2022.

Theo các chuyên gia, để phát triển năng lượng tái tạo, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy, nhưng hiện vẫn còn một số bất cập bởi các cơ chế chính sách chưa thực sự có sự liên thông thống nhất. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá thực hiện phát triển năng lượng tái tạo theo chính sách, pháp luật là rất cần thiết.

Chuyên gia năng lượng tái tạo Dương Văn Toán (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo) đề xuất, cần có nghiên cứu để xây dựng chính sách đặc thù cho từng loại năng lượng táo tạo; khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư cho lĩnh vực này. Cùng với đó, cần nghiên cứu các chính sách về truyền tải điện; phát triển các nguồn năng lượng điện nhiệt, năng lượng thủy triều, hải lưu… nhằm tận dụng các lợi thế, tiềm năng về năng lượng tái tạo của khu vực Nam Bộ.

Trong khi đó, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho rằng, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió; riêng điện mặt trời, tiềm năng khoảng 963.000 MW. Với sự thúc đẩy của Quy hoạch điện VIII và cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần nhanh chóng tăng cường kết hợp năng lượng tái tạo để giảm carbon trong ngành điện. Trong Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo cũng được ưu tiên phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng.

Theo ông Phạm Đăng An, khu vực Nam Bộ có thể khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... Các khu công nghiệp thông minh và bền vững, chú trọng các giải pháp tự động hóa, áp dụng quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo... sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy, hiệu quả cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng, triển khai các sáng kiến xanh cũng góp phần giúp khu công nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng góc nhìn này, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Hồng Chương phân tích, hiện những ngành như dệt may và gỗ, đối tác yêu cầu rất chặt chẽ về sản xuất xanh. Do vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học để có được giải pháp mang tính tổng thể để phát triển năng lượng tái tạo. Nam Bộ sẽ là nguồn cung năng lượng của cả nước, nên cần có những cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi các vấn đề tạo điều kiện phát triển các dự án năng lượng tái tạo nhằm thu hút các quỹ đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; giải pháp phát triển khu vực Nam Bộ tương xứng với tiềm năng, gắn với phát triển bền vững, giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu theo mục tiêu chung của quốc gia…

Tin, ảnh: Tiến Lực (TTXVN)
Chuyển đổi năng lượng sạch, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 
Chuyển đổi năng lượng sạch, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 

Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023, một số nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nêu quan điểm về những nghiên cứu, phát minh cũng như giải pháp về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; góp phần làm cho thế giới ngày càng phát triển, như thông điệp chủ đề “Chung sức toàn cầu” của Giải thưởng VinFuture năm nay. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN