Người dân sử dụng xe đạp công cộng tăng
Sau gần hai tháng đưa vào hoạt động thử nghiệm, mô hình xe đạp công cộng do Tập đoàn Trí Nam đầu tư khai thác đang ngày càng thu hút nhiều người dân TP Hồ Chí Minh sử dụng. Đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên đều ưa thích sử dụng phương tiện này với mục đích trải nghiệm, thư giãn và ngắm cảnh thành phố.
Chị Nguyễn Quỳnh My (ngụ Quận 1) cho biết: "Từ khi có mô hình cho thuê xe công cộng, vào những ngày cuối tuần tuần tôi và hai con trai đều đi bộ đến điểm cho thuê xe đạp tự động trên Lê Duẩn (Quận 1) để thuê 3 chiếc xe đi dạo vòng quanh các tuyến đường trung tâm Quận 1. Đây cũng là cách gia đình tôi tập thể dục nâng cao sức khỏe trong thời điểm dịch căng thẳng. Giá thuê một chiếc xe đạp cũng rất hợp lý, chỉ khoảng 10.000 đồng/giờ".
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các vị trí đặt xe đạp công cộng như đường Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… luôn có đông người đến thuê xe.
Anh Nguyễn Văn Lợi (ngụ ở Quận 3) là người thường xuyên cùng bạn bè "check-in" các điểm du lịch bằng xe đạp công cộng cho biết: "Hiện nay, chúng tôi thường thuê xe theo nhóm để đi "check in" các địa điểm du lịch nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh, rất thuận tiện và thoải mái vì có thể dừng và trả xe ở điểm khác, không phải trở về nơi xuất phát. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều trạm đổi xe hoặc trạm trung chuyển xe cho phù hợp khi chúng tôi chọn xe đạp công cộng đi làm hàng ngày. Ngoài ra, Thành phố nên bố trí một làn đường dành riêng cho người đạp xe để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên đường".
Ông Ðỗ Bá Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam) cho biết, theo thống kê từ phần mềm quản lý, sau gần hai tháng kể từ ngày khai trương dịch vụ (ngày 16/12/2021), đến nay đã có 95.000 lượt người thực hiện chuyến đi với 100.000 giờ đạp xe, tương đương khoảng 600.000 km đã đi. Trung bình mỗi ngày, có gần 15.000 người đăng ký mới tham gia sử dụng xe đạp công cộng. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, xe đạp ở 43 trạm đều hoạt động hết công suất, cao điểm phải sử dụng xe dự phòng mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng cao của người dân.
"Chúng tôi đầu tư loại hình giao thông công cộng này nhằm mục đích giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh "giao thông xanh", tạo một nét văn hóa giao thông mới cũng như tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho người dân TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn thí điểm, công ty đầu tư gần 400 xe đặt tại 43 vị trí khu vực trung tâm ở Quận 1. Giai đoạn 2, dự kiến tăng lên 5.000 xe phủ khắp địa bàn thành phố", ông Đỗ Bá Quân nói.
Đưa vào sử dụng tuyến xe buýt điện đầu tiên
Vào ngày 8/3, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) phối hợp Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus, Tập đoàn VinGroup đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện có trợ giá số D4 (tuyến Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) phục vụ hành khách.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay mô hình giao thông công cộng được các lãnh đạo TP Hồ Chí Minh hết sức quan tâm và tạo điều kiện phát triển từ nay đến năm 2030, xác định đây là một trong những mũi nhọn để xây dựng Thành phố phát triển bền vững, văn minh hiện đại. Hiện TP Hồ Chí Minh có 152 tuyến xe buýt với 2.500 xe, trong đó có 500 xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG).
Riêng xe buýt điện, chỉ trong thời gian ngắn Vingroup phát triển thành công và đưa ra thị trường, đề xuất sử dụng trên 5 tuyến của Thành phố với 77 xe buýt điện, có 65-70 chỗ, hoạt động từ 5 đến 21 giờ mỗi ngày,được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay. Lộ trình 5 tuyến này dừng đón khách tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu… Việc này, giúp giảm tải cho các tuyến xe buýt đang có tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, 5 tuyến xe buýt điện sẽ chạy ở các điểm: VB01 đến Trung tâm thương mại Emart (cự ly 27 km); VB02 đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30 km); tuyến VB03 đến bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29 km); tuyến VB04 đến Bến xe Miền Ðông (cự ly 8,5 km) và tuyến VB05 đến khu đô thị Ðại học Quốc gia (cự ly 10 km). Tất cả xe điện sẽ được Vinbus quản lý vận hành thông minh qua việc theo dõi tập trung, nạp điện, kiểm tra an toàn, bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh tự động tại các trạm Depot…
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, để thu hút người dân thành phố sử dụng xe buýt điện, thành phố sẽ trợ giá cho các tuyến xe buýt này với tỷ lệ trợ giá 44% từ nguồn ngân sách. Thành phố sẽ áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG) cho xe buýt điện trong thời gian thí điểm với giá vé bằng giá vé các tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố (từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/vé tùy tuyến).
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, trung tâm đang hoàn thiện thủ tục lựa chọn đơn vị vận hành và hạ tầng phục vụ để sớm đưa các tuyến xe buýt điện vào hoạt động. Trước mắt, trong tháng 3 đưa vào hoạt động một tuyến xe buýt điện Vinhome Grand Park-bến xe buýt Sài Gòn thử nghiệm; đến quý III và IV sẽ đưa vào hoạt động các tuyến còn lại theo kế hoạch. Về lâu dài, trung tâm đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể đối với hoạt động giao thông công cộng thành phố kết hợp với tuyên truyền Ðề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông…
"Việc sử dụng tuyến xe buýt điện đầu tiên bằng nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến như: hệ thống vé điện tử hiện đại, dịch vụ chất lượng cao... sẽ tạo thuận lợi cho người dân tham gia phương tiện xe buýt nhiều hơn. Mặt khác, khi TP Hồ Chí Minh đưa xe buýt điện vào hoạt động còn nhằm mục tiêu giảm lượng thải khí nhà kính trong giao thông và góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông xanh trên địa bàn", bà Nguyễn Thị Dạ Thảo cho biết thêm.