Ưu tiên dùng sản phẩm xanh
Chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ Quận 3 cho biết: "Gia đình tôi đã bắt đầu chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện với môi trường cách đây 2 năm, sau khi nghe thông tin về vấn nạn sử dụng đồ nhựa đang gây ô nhiễm môi trường. Việc thay đổi của gia đình tôi từ cái nhỏ nhất là dùng túi vải, túi cói đi chợ, thay vì sử dụng túi nilon như trước đây.Vào quán nước ưu tiên dùng ly tái chế hoặc sử dụng lại được nhiều lần, hạn chế sử dụng ống hút nhựa".
Không riêng gì chị Thảo, mà hiện nay, rất nhiều người dân đã có xu hướng chuyển đổi tiêu dùng và sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Xu hướng chuyển đổi này bắt nguồn từ những phong trào, mô hình phát động của TP Hồ Chí Minh, được cộng đồng hưởng ứng như dùng lá chuối để gói trái cây; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi nilong… Đây cũng là một trong nội dung của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, được TP Hồ Chí Minh triển khai trong thời gian qua.
Để tiếp tục phát huy phong trào và gia tăng người dân hướng tới lối sống xanh, tiêu dùng xanh, mới đây đầu tháng 6, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã phối hợp tổ chức lễ phát động chiến dịch Tiêu dùng Xanh năm 2024 trên toàn quốc.
Theo thống kê của Saigon Co.op, hiện nay, sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong tháng 6 hàng năm tại 800 điểm bán đã tăng 50 - 60% so với các tháng thông thường. Số lượng tình nguyện viên và người dân tham gia hưởng ứng chương trình trực tiếp hoặc gián tiếp cũng tăng theo từng năm, từ hơn 1 triệu lượt người vào năm 2010 lên hơn 7 triệu lượt người vào năm 2023.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, thời điểm 15 năm trước, khi chiến dịch Tiêu dùng Xanh ra đời, mức độ quan tâm và nhận thức của người tiêu dùng với vấn đề này vẫn còn chưa cao. Tuy nhiên, đến nay, chiến dịch không chỉ làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng mà còn có các nhà cung cấp cũng tham gia hưởng ứng. Cụ thể, các doanh nghiệp này lên kế hoạch chuyển đổi từ sản phẩm sử dụng bao bì mang tính chất độc hại cho môi trường, khó phân hủy sang sản phẩm có bao bì sử dụng hàm lượng tự nhiên cao hơn.
“Thống kê số lượng chuyển đổi của doanh nghiệp ngành bán lẻ sang hướng thân thiện môi trường, trong 5 năm qua đã tăng khoảng 30% so với trước đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã thay đổi theo hướng sàng lọc ưu tiên chọn các sản phẩm xanh để đưa lên quầy kệ, đưa ra những tiêu chí cho nhà cung cấp như loại bỏ ống hút nhựa, túi nilong sử dụng 1 lần", ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.
Huy động nhiều nguồn lực tham gia
Ông Trần Văn Bích, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, sự phát triển của TP Hồ Chí Minh ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cả nước về kinh tế xanh. Vì vậy, để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, Thành phố cần đẩy mạnh, nâng cao việc tiêu dùng xanh để gắn với nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp.
"Về lâu dài, Thành phố cần tập trung vào giải pháp chính như gia tăng nguồn lực, tài nguyên có năng lượng, nước và vật liệu; thay đổi hành vi gồm tiêu dùng xanh, giao thông xanh… Đối với giải pháp hành vi tiêu dùng xanh, Thành phố cần xây dựng và triển khai áp dụng các bộ tiêu chí tiêu dùng xanh cho từng đối tượng doanh nghiệp, người tiêu dùng; tích cực quảng bá các thực phẩm xanh; phối hợp với các siêu thị, nhãn hàng triển khai sử dụng bao bì từ thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ, sinh thái", ông Trần Văn Bích cho biết thêm.
Theo các chuyên gia môi trường, việc thúc đẩy tiêu dùng xanh được xem là một giải pháp hiệu quả giúp "giải cứu trái đất" trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ông Anil Viswanathan, Tổng Giám đốc công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết, theo mục tiêu chung của tập đoàn đến năm 2025, 100% bao bì của Mondelēz trên toàn cầu có khả năng tái chế, tái sử dụng. Tại Việt Nam, công ty đã triển khai các sáng kiến bền vững về bao bì gồm sử dụng các loại bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng bao bì thứ cấp và thùng giấy nhiều lần, giảm lượng nhựa sử dụng trong bao bì… Đến nay, công ty đã đạt được hơn 99% bao bì có thể tái chế.
"Việc làm này góp phần vào việc phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050 của Chính phủ, cũng như nỗ lực biến rác thải thành nguồn tài nguyên có giá trị phục vụ cho cuộc sống và phát triển bền vững", ông Anil Viswanathan nói.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay Thành phố luôn nỗ lực xây dựng môi trường sống tốt, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành phố cũng đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế. Để ứng phó với những thách thức này, Thành phố đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để hướng tới net zero vào năm 2050.
"Trong khung chiến lược phát triển xanh, Thành phố xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi, đồng thời xác định tập trung vào “bốn xanh”. Một là, nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế. Hai là, hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên. Ba là, hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh. Bốn là, các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm: Sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Vì vậy, theo ông Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh muốn phát triển các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng xanh rất cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Ngoài ra, Thành phố cũng rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững...