Đó là góp ý của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 16/CT-TTg diễn ra chiều 23/7.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thống nhất tinh thần tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh TP Hồ Chí Minh cần chỉ rõ các biện pháp tăng cường trong Chỉ thị 16 một cách cụ thể để người dân nắm, chấp hành và thực hiện.
Trước tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, khả năng truy vết sẽ không biết bao giờ mới kết thúc, vì thế TP Hồ Chí Minh cần xác định lại mục tiêu “phải truy vết F0” hay là “ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh”, bởi với nguồn nhân lực hiện nay, nếu lo cho toàn xã hội thì sẽ làm không nổi. Ngoài ra, trên bản đồ COVID-19, TP Hồ Chí Minh cần xác định các vùng đỏ cần test nhanh để loại trừ F0, làm xanh lại bản đồ nhưng thực hiện phải có trọng điểm. Các vùng xanh khi phát hiện F0 cũng nên tập trung xét nghiệm để loại trừ mầm bệnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng lưu ý việc cách ly F0, F1 cần có sự phân loại trường hợp nào cách ly điều trị tại địa phương, trường hợp nào đưa vào cách ly, điều trị tại bệnh viện... vì nếu đưa hết vào cách ly tập trung thì nhân lực, điều kiện của TP Hồ chí Minh sẽ chịu không nổi, chưa tính đến tình trạng lây nhiễm chéo.
“Không nên quan niệm cứ F0 là có bệnh. Có những F0 không có triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ, có thể tự khỏi thì cân nhắc cách ly điều trị tại cơ sở ở địa phương. Trường hợp có triệu chứng, hoặc nặng thì đưa vào cách ly, điều trị ở tuyến bệnh viện trên. Như vậy, cần tập trung phân tầng bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Muốn làm tốt thì tuyến quận, huyện phải tăng cường năng lực cho cơ sở cách ly, điều trị ở địa phương. Đây gọi là “chia lửa”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.
Theo Phó Thủ tướng, TP Hồ Chí Minh tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 là kịp thời nhưng về lâu dài để đối phó với dịch COVID-19 cần phải có vaccine. TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục tập trung nguồn lực, tìm nguồn cung cấp để có nhiều vaccine tiêm cho người dân, có thể thông qua tư vấn của Nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, ông ủng hộ Chỉ thị 12 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, tuy nhiên TP Hồ Chí Minh cần phải quán triệt thực hiện nghiêm các giải pháp, không để tình trạng "ngoài thì chặt mà trong các khu cách ly, phong tỏa thì lỏng".
Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện có trọng tâm, trong điểm để tận dụng "thời gian vàng" trong tuần tới.
Trong đó, Thành phố sẽ tập trung xét nghiệm sớm để “bóc tách” F0, F1 ra khỏi cộng đồng và tăng cường quản lý nghiêm các khu phong tỏa, cách ly không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đối với các F1 nằm trong vùng có nguy cơ rất cao thì không thể cách ly tại nhà mà được di chuyển đến cách ly tập trung để giảm thiểu lây lan dịch bệnh tại cộng đồng...
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Y tế cùng Sở Thông tin - Truyền thông phát cẩm nang hướng dẫn quy trình tự chăm sóc, theo dõi sức khoẻ và có số điện thoại gửi đến từng người, từng nhà có F1 cách ly. Ngoài ra, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng cần phải theo dõi, chữa trị cho thật tốt, hạn chế F0 chuyển nặng; nếu triệu chứng chuyển nặng phải chuyển ngay đến các bệnh viện điều trị, không để các trường hợp F0 chuyển nặng quá 12 giờ.
Đối với công tác tiêm vaccine đợt 5, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 930.000 liều vaccine COVID-19 (gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một lượng nhỏ Sinopharm). Đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong đợt 5 được xác định là những người mắc các bệnh nền, người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ cao, trong đó tập trung là người nghèo.
Dịp này, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phụ trách việc đăng ký tiêm vacine, Sở Y tế phân bổ vaccine về các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Điểm đáng chú ý, trong chiến dịch tiêm chủng lần này, việc xác định nơi tiêm vaccine không phải căn cứ vào hộ khẩu thường trú mà theo nguyên tắc “người nào ở đâu sẽ tiêm ở đó”.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là tiêm vaccine COVID-19 cho toàn bộ người dân thành phố; tuy nhiên, do nguồn cung không thể có một lúc nên cần phải theo lộ trình. Hiện nay, nguồn cung vaccine COVID-19 vẫn đang được đàm phán với các nhà cung ứng, tùy loại vaccine được quy định tiêm cho từ độ tuổi nào để thông qua tư vấn Nhà nước trước khi thực hiện tiêm cho người dân.