Thông qua việc sử dụng Zalo, công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã cập nhật lịch trình cấp lại CCCD và giải đáp thắc mắc cho người dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và bố trí nhiều địa điểm tiếp nhận nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người dân khi đến làm CCCD. Nhờ đó, người dân kịp thời nắm bắt thông tin, tránh việc đi lại nhiều lần, giảm thiểu phiền hà và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi đến làm CCCD.
Chị Ngọc Nhi (ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ngay khi thành phố vừa thực hiện nới lỏng giãn cách được một tuần, tôi đã nhận được thông báo từ trang Zalo “UBND Quận Gò Vấp” về việc các phường trên địa bàn thu nhận hồ sơ làm CCCD; trong đó lịch đăng ký được phân chia theo từng phường và thời gian làm việc cụ thể”.
Ngoài các thông tin cơ bản như đối tượng được ưu tiên thực hiện cấp CCCD, thời gian làm việc, địa điểm cấp CCCD… trang Zalo của các UBND và công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức còn giải đáp các thắc mắc của người dân thông qua hệ thống trả lời tự động (chatbot).
Cụ thể, tại trang Zalo "Công an quận Tân Phú TP.HCM" và “Công an huyện Hóc Môn”, bộ câu hỏi của chatbot được xây dựng dựa trên những vướng mắc, vấn đề mà người dân thường quan tâm như: Thời hạn sử dụng của thẻ CCCD gắn chip là bao lâu; thủ tục làm CCCD khi mất CMND, CCCD cũ như thế nào; đối tượng được ưu tiên thực hiện cấp CCCD gắn chip cần chuẩn bị những hồ sơ gì; lệ phí phải đóng là bao nhiêu…
“Thay gì phải gọi hotline hay lên mạng tìm thông tin, bộ câu hỏi trả lời tự động đều có giải đáp. Tôi thấy khá tiện cho người dân”, anh Hùng Minh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Trong đợt này, TP Hồ Chí Minh sẽ cấp CCCD cho toàn bộ người dân thường trú, tạm trú đủ điều kiện được cấp mới, cấp đổi, cấp mất và không còn giới hạn đối tượng, kể cả những người đang dùng CCCD mã vạch muốn được đổi sang CCCD gắn chip.
Khi tới địa điểm làm căn cước, người dân cần ăn mặc lịch sự, mang theo đầy đủ giấy tờ như hộ khẩu (bản chính), chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch và các giấy tờ có liên quan khác khi thông tin công dân có thay đổi.
Hiện thẻ căn cước công dân gắn chip được tích hợp nhiều thông tin như: Thông tin thẻ xanh, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về hưởng chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Căn cước gắn chip cũng được tích hợp thông tin về người phụ thuộc đi cùng với người có thẻ căn cước như con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự...
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn vị không tiếp nhận hồ sơ và thủ tục hành chính mà tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời hỗ trợ người dân đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã nới lỏng giãn cách xã hội nên Công an Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai dự án trên, phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu được Bộ Công an giao.
Tuy nhiên, do tình dịch trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp nên trong thời gian làm việc tại địa điểm làm căn cước, người dân được yêu cầu tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, xuất trình mã QR khai báo di chuyển nội địa và có chứng nhận tiêm chủng hoặc giấy chứng nhận là F0 đã điều trị xong trong 180 ngày.
Hiện nay trên toàn quốc, Bộ Công an đã trả khoảng hơn 50 triệu thẻ gắn chip cho người dân so với trên 55 triệu hồ sơ thu nhận.