Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Thành phố hiện có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Như vậy, nếu mức hỗ trợ là 50% lương tối thiểu vùng trong 3 tháng, ngân sách Thành phố sẽ chi gần 209 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp lữ hành đã cắt giảm từ 50-80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong mùa dịch bệnh. Trong đó, chỉ lực lượng hướng dẫn viên chính thức còn hoạt động, các hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã chuyển nghề sang bán hàng online, mở quán ăn, môi giới bảo hiểm hoặc về quê...
Đối với các cơ sở lưu trú, doanh thu không ổn định đã dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa hay tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí. Lượng lao động tại các cơ sở hạng 5 sao giảm hơn 40%, trong khi hạng 4 sao cũng giảm 50%.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thành phố nên ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lao động ngành du lịch và thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để sớm mở cửa ngành du lịch.
Về lâu dài, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cần kiến nghị, đề xuất xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách TP Hồ Chí Minh cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động và giữ chân lực lượng này. Trước mắt, 20 lớp đào tạo trong năm nay có chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách 80%, còn lại xã hội hóa chủ yếu thông qua giảm tiền thuê hội trường.
Đối với 5 điểm bảo tàng, khu di tích là sự nghiệp công lập, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất miễn phí tham quan cho khách du lịch từ tháng 8 đến hết năm, sau khi dịch được kiểm soát. Khi đó, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ hơn 21,7 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động và các khoản chi thường xuyên.
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh COVID-19 để bổ sung một số chính sách hỗ trợ. Trong đó, Bộ Tài chính giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5%, kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất và gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm nay đối với các doanh nghiệp du lịch; Bộ Tài chính có thể phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm để giúp doanh nghiệp có dòng tiền duy trì hoạt động và làm vốn lưu động.
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm nay theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.
Đối với đề xuất tiếp tục giảm giá điện trong mùa dịch, Sở đề nghị mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp lữ hành và điểm du lịch do các đơn vị này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém cơ sở lưu trú.