Ông Trịnh Duy Trọng cho biết, cả 3 trường hợp F0 này đều được sự hỗ trợ tích cực và chủ động của các trạm y tế địa phương tiến hành xử lý theo đúng quy trình. Những trường hợp F1 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính.
Theo thống kê, trong ngày đầu tiên học sinh đến trường chiếm tỷ lệ khá cao. Theo đó, ở khối mầm non đạt tỷ lệ học sinh đến trường khoảng 66,32%; số học sinh tiểu học tới trường khoảng 95,99%; số học sinh lớp 6 tới trường khoảng 94,64%. Trong tuần đầu đi học trở lại, khối mầm non không tổ chức ăn sáng; bảo mẫu, giáo viên tập trung đón trẻ từ đầu buổi học. Ở cấp tiểu học, nhiều cơ sở tổ chức học bán trú nhưng một số cơ sở chưa tổ chức lại hoạt động này do chưa đáp ứng đòi hỏi về quy định phòng, chống dịch và cơ sở vật chất.
Ông Trịnh Duy Trọng cho rằng, hiện các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông đã trở lại hoạt động học tập tại trường. Số học sinh quay trở lại trường học tập rất đông, vừa là động lực mà cũng vừa là áp lực đối với các trường trong việc tổ chức học tập trực tiếp, trong đó đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
“Nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, học sinh về quê nên có sự giao lưu tiếp xúc hơn. Do đó, chúng tôi đánh giá có những trường hợp học sinh mắc bệnh có thể nhiễm bệnh và đang trong thời gian ủ bệnh nên tuần này sẽ xuất hiện học sinh dương tính. Chúng tôi dự báo trong tuần này và trong những tuần tiếp theo sẽ có những diễn biến phức tạp trong việc phòng, chống dịch ở các cơ sở giáo dục”, ông Trịnh Duy Trọng nói.
Trước tình hình trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau Tết Nguyên đán. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức theo dõi, xét nghiệm tầm soát các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, các trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có di chuyển ra vào thành phố trước và sau Tết Nguyên đán.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương thực hiện đúng quy trình xử lý đối với F0, F1 đang làm việc và học tập tại các cơ sở giáo dục; kịp thời báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức hoặc các quận, huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo các trường hợp phát hiện hơn 2 ca F0 tại 1 cơ sở giáo dục trong cùng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đang có những tín hiệu khá lạc quan như số ca mắc giảm, số ca tử vong giảm xuống rất thấp, trong 2 tuần qua hầu hết dưới 5 ca/ngày. Tuy nhiên, việc trẻ đi học trở lại cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn.
“Ngành giáo dục và ngành y tế luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt nhất quy trình xử lý F0, F1 thực hiện tốt giám sát, cố gắng không để F0 lây lan trong trường học”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm.