Riêng trong tháng 6, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho hơn 26.500 lượt người và tạo ra gần 12.000 chỗ việc làm mới, tập trung ở các lĩnh vực thương mại dịch vụ, dịch vụ phục vụ cá nhân, sản xuất công nghiệp…
So với cùng kỳ năm 2021, số lao động được giải quyết việc làm tăng hơn 12.000 lượt người, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 4,01%; số chỗ việc làm mới tăng gần 4.600 chỗ, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 3,28%. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,21%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,25%.
Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, trong 6 tháng đầu năm, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Thành phố tổ chức 59 phiên sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn việc làm cho hơn 69.700 lượt người và có hơn 43.200 người nhận việc. Sở đã tiếp nhận và ban hành 58.99/64.860 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, 512 quyết định hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho người lao động thất nghiệp, tiếp nhận hơn 245.400 lượt trường hợp người lao động đến thông báo về tìm kiếm việc làm...
Các đơn vị chức năng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đã tổ chức thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của 42.800 lượt doanh nghiệp và thông tin của 76.022 người có nhu cầu tìm việc làm; đồng thời, thực hiện thông tin thị trường lao động trong 6 tháng là 114.737/200.000 lượt người (đạt 57,37% kế hoạch năm). Sở đã thẩm định và cấp giấy phép lao động cho 7.639 trường hợp người nước ngoài (giảm 900 trường hợp so với cùng kỳ); đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 5 hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp - chính quyền thành phố chuyên đề về giấy phép lao động với sự tham gia của 900 doanh nghiệp thuộc các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố.
Về xuất khẩu lao động, 6 tháng đầu năm, hơn 3.900 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài, tăng hơn 1.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tập trung ở thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)... với các ngành nghề chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.
Gần 48.500 người lao động đang làm việc đã qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận, đạt 41,37% kế hoạch năm (trong đó trình độ Đại học trở lên có 3.0 người; Cao đẳng 6.7 người; Trung cấp 2.306 người và gần 35.700 người đạt trình độ sơ cấp, thường xuyên) nâng tổng số lao động đã qua đào tạo toàn Thành phố đến nay tương đương khoảng 4,3 triệu người, đạt 85,89%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 2.055/4.050 người, tăng 26,84% so với cùng kỳ năm 2022...