TP Hồ Chí Minh: Giải thể nhiều Bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức COVID-19

Chiều 10/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc mới tại thành phố tăng nhẹ nhưng số ca nặng giảm. Trước tình hình mới, ngành y tế đang có kế hoạch cơ cấu lại các cơ sở thu dung điều trị COVID-19.

Giải thể Trung tâm hồi sức COVID-19

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện các bệnh viện thành phố đang điều trị cho 618 bệnh nhân, trong đó có 88 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 9/2, TP Hồ Chí Minh có 97 bệnh nhân nhập viện, 39 bệnh nhân xuất viện và 4 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Bệnh viện duy nhất tiếp nhận và điều trị ca nhiễm Omicron tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh và sẽ được giải thể trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, nếu như thời điểm trước Tết Nguyên đán, số ca mắc mới của thành phố ghi nhận ở 3 con số thì trong Tết, số ca mắc mới giảm xuống chỉ còn 2 con số. Đặc biệt, trong ngày 5/2, Thành phố chỉ còn 24 ca mắc mới. Tuy nhiên sau Tết, từ ngày mùng 8, số ca mắc mới của Thành phố tăng lên, chẳng hạn trong ngày 9/2 ghi nhận 242 ca mắc mới.

"Nhận định của ngành y tế, trong vài ngày tới, số ca mắc mới có thể tăng nhưng số ca nặng, ca tử vong không tăng, thậm chí giảm. Ngành y tế tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 5K, tiêm vaccine khi tới lượt", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Về việc sắp xếp lại các Bệnh viện điều trị COVID-19 khi số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh giảm, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Sở Y tế đã có văn bản trình UBND TP Hồ Chí Minh tham mưu chuyển đổi công năng, duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị và Trung tâm hồi sức COVID-19.  

Chú thích ảnh
Bệnh viện hồi sức COVID-19 sẽ tạm ngưng hoạt động để trả lại cơ sở cho Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh tiếp duy trì các Bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tại các quận, huyện; cơ sở thu dung điều trị tại Khu chế xuất - Khu công nghiệp. Bên cạnh đó, sắp xếp lại bệnh viện đã chuyển đổi công năng, tách đôi điều trị COVID-19 như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương, An Bình... phục hồi lại công năng hoặc thành lập khoa điều trị COVID-19.

Song song đó, ngành y tế cũng trình UBND TP Hồ Chí Minh ngưng hoạt động Trung tâm hồi sức COVID-19 và tạm ngưng hoạt động của các Bệnh viện dã chiến số 6, số 8 và số 12. Lý giải về việc tạm ngưng Trung tâm hồi sức COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, hiện nay số bệnh nhân nằm điều trị tại đây rất ít nên cơ sở này đã hoàn thành sứ mệnh của mình và sẽ được trả lại cho Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 để tiếp tục đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân có liên quan đến bệnh lý về ung thư. Khi bệnh viện được phép giải thể, các trường hợp đang chữa bệnh tại đây sẽ được chuyển về Bệnh viện dã chiến 3 tầng tiếp tục điều trị.

Đối với Bệnh viện dã chiến số 12 - là cơ sở duy nhất tại TP Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ cách ly người nhập cảnh dương tính và người nhiễm biến thể Omicron, hiện Thành phố đã có chủ trương cho phép người nhiễm Omicron điều trị tại bệnh viện tư nhân hoặc tại nhà, do đó bệnh viện này đã hoàn thành sứ mệnh.

Chú thích ảnh
Trong tình hình mới, TP Hồ Chí Minh duy trì 3 Bệnh viện dã chiến 3 tầng và đảm bảo 1.000 giường hồi sức.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, Thành phố sẽ duy trì Bệnh viện dã chiến 3 tầng gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16. Trong đó, các Trung tâm hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 14 và 16 vẫn đảm bảo 600 giường hồi sức; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng mỗi bệnh viện 200 giường hồi sức.

“Ngành y tế đảm bảo luôn sẵn sàng 1.000 giường hồi sức và những bệnh viện giải thể sẵn sàng kích hoạt lại trong vòng 24 giờ khi số ca bệnh tăng lên", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm.

Mở rộng nhóm người có nguy cơ cao

Về chiến dịch bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố đẩy mạnh công tác bảo vệ người có nguy cơ cao cho đối tượng từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền. Sau Tết, ngành y tế tiếp tục chiến dịch này và mở rộng ra đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Theo đó, các đơn vị đang lập danh sách các đối tượng này.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao và mở rộng nhóm đối tượng này.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, Thành phố chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, Sở Y tế cùng các đơn vị rà soát lại danh sách, chuẩn bị đội tiêm từ các bệnh viện nhi, sẵn sàng công tác cấp cứu để việc tiêm vaccine cho trẻ được đảm bảo an toàn.

Về hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 do Bộ Y tế phát động, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã tổ chức tiêm vaccine xuyên Tết cho người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố tại 36 điểm tiêm cố định. Chiến dịch được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 đã được tổ chức xuyên Tết, từ 27 tháng Chạp đến hết mùng 6 Tết (từ 29/1/2022 đến ngày 6/2/2022) và giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục từ ngày 7/2/2022 đến ngày 28/2/2022.

Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, khác với những đợt tiêm trước đây, người dân phải đăng ký, xếp hàng để được khám sàng lọc và chờ đến lượt tiêm vaccine thì trong chiến dịch lần này, nhân viên y tế tại các điểm tiêm rất vui khi thấy người dân đến để tiêm vaccine ngay trong những ngày Tết. Hình ảnh này cho thấy người dân đã có nhận thức rất tốt và đồng lòng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Chú thích ảnh
Giai đoạn 2 chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân được tiếp tục triển khai từ ngày 7/2 đến hết ngày 28/2/2022.

Theo đó, trong 9 ngày triển khai chiến dịch đã có 13.056 người được tiêm vaccine; trong đó có 10.679 người tiêm mũi bổ sung và nhắc lại, 1.823 người tiêm mũi 2 cùng 554 người tiêm mũi 1. Đặc biệt, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã vận động, thuyết phục được 97 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, trước kia vì nhiều lý do đã trì hoãn việc tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm vaccine) đã tiêm vaccine trong đợt này. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đánh giá, sự thành công trong giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm vacicne mùa Xuân vừa qua là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, như Thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được tiêm vaccine sớm nhất và an toàn, không phân biệt hộ khẩu, không cần đăng ký trước…; UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt việc vận động người dân tiêm chủng bằng nhiều giải pháp, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, thuyết phục người dân tiêm vaccine...

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân được tiếp tục triển khai từ ngày 7/2 đến hết ngày 28/2/2022. Thành phố sẽ mở lại hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tất cả điểm tiêm chủng, bao gồm cả điểm cố định, cộng đồng và lưu động trên địa bàn. 

Mục tiêu của chiến dịch lần này là nhanh chóng hoàn thành đủ mũi tiêm cơ bản cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và bao phủ mũi bổ sung, nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; từ đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm, giảm số ca mắc, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Chấn chỉnh tình trạng loạn giá dịch vụ khám sức khỏe 'hậu COVID-19'
Chấn chỉnh tình trạng loạn giá dịch vụ khám sức khỏe 'hậu COVID-19'

Sau khi có phản ánh về việc nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng "hậu COVID-19" tăng giá dịch vụ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi giám đốc các đơn vị trực thuộc về việc chấn chỉnh, tổ chức khám sức khỏe "hậu COVID-19".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN