Kết nối lao động
Là một trong những đơn vị tích cực kết nối cung cầu lao động của thành phố, thời gian qua, ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố, nhìn nhận, qua kết nối, nhiều người lao động đã tìm được việc làm mới.
Tuy nhiên, vẫn có người chưa tìm được việc, tỷ lệ kết nối giữa doanh nghiệp tuyển dụng với người vừa mất việc vẫn chưa đạt như mong đợi. Theo ông Nguyễn Quang Cường, nguyên nhân là do công việc mới không phù hợp; trong đó, một phần do năng lực chuyên môn, phần do khoảng cách nơi làm việc và nơi ở khá xa, phần do không đạt được mức lương như thỏa thuận…
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Đào, phòng tuyển dụng Công ty Cổ phần may Bình Minh, cho biết, Công ty vừa thông báo tuyển dụng trên 200 công nhân lao động, ưu tiên có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm tay nghề may công nghiệp, tuy nhiên, chưa tuyển được đủ số lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Đào, công ty luôn có chính sách đào tạo hay đào tạo lại người lao động nhằm đảm bảo công việc phù hợp, ổn định để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở phân khúc thị trường lao động có trình độ tay nghề chuyên môn cao thường ổn định và ít khi dịch chuyển hay tuyển dụng mới. Do vậy, dù ở phân khúc thị trường lao động nào thì việc "giữ chân" và sử dụng nhân lực một cách hiệu quả mới thật sự quan trọng, cần thiết.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước về lao động, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều ngày hội việc làm, chương trình tiếp sức người lao động, sàn giao dịch việc làm giúp người lao động và doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn trực tiếp; trong đó, có nhiều phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thanh niên chưa có việc làm, người khuyết tật, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và cho cả bộ đội xuất ngũ…
Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng lao động các địa phương tổ chức "Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm", "Sàn giao dịch việc làm" cho người lao động có nhu cầu tìm việc. Tương tự, chương trình "Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm" của Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh cũng đã kết nối thanh niên công nhân, người lao động tìm việc ở 30 tỉnh, thành đoàn trên cả nước với hơn 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 vị trí việc làm với mức lương, thu nhập và chế độ đãi ngộ khá tốt; đồng thời, tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ người lao động tại các địa điểm cửa ngõ, bến xe vào thành phố...
"Bên cạnh đó, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm cũng tổ chức liên tục các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, qua mạng internet nhằm kết nối cung cầu lao động giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc với đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề từ lao động phổ thông đến lao động có trình độ, tay nghề chuyên môn cao...", ông Lâm chia sẻ.
Trước bối cảnh kinh tế thành phố đang còn gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, TP Hồ Chí Minh cần tập trung hỗ trợ cho lực lượng lao động, lấy đây làm động lực tăng trưởng, trong đó, ngoài việc giữ ổn định việc làm, việc thực hiện các công việc liên quan đến ổn định lực lượng lao động như tạo dựng nhà ở, chính sách hỗ trợ giảm giờ làm việc, giảm chi phí môi giới việc làm... cần được đẩy mạnh.
Đảm bảo nguồn nhân lực trong tình hình mới
Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, tác động của dịch bệnh cùng với những biến động trên thế giới không chỉ gây những tác động tiêu cực đến nền kinh tế mà còn làm thay đổi cách nhìn của doanh nghiệp đối với nguồn lực tài chính, nguồn lực xã hội và đặc biệt là nguồn lực con người. Trong đó, nguồn lực con người là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cũng đóng vai trò thiết yếu trong công cuộc phục hồi sản xuất kinh doanh nên đặt ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp.
Để nhằm đảm bảo nguồn nhân lực trong tình hình mới, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã tường xuyên quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng. Đặc biệt, chú trọng những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực theo 2 nhánh cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Các cấp ngành, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ người lao động đào tạo, đào tạo lại, giới thiệu việc làm cùng nhiều hoạt động chăm lo nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Mặc khác, UBND thành phố cũng động viên, tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh; các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lực về tài chính, vốn cùng với các chính sách dành cho doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho rằng, việc tháo gỡ những vướng mắc đó không chỉ đảm bảo cho doanh nghiệp ổn định, phát triển mà còn giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động trong gian đoạn khó khăn nhất. "Điều này cũng giúp cho cán cân cung - cầu lao động không bị mất cân đối khi tình hình kinh tế xã hội ổn định, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tăng cao, trong đó có cả lực lượng lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao" ông Lâm khẳng định.
Theo các chuyên gia lao động việc làm, xây dựng, phát triển, bảo vệ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho hiện tại và những năm tiếp theo là vấn đề quan trọng, nhất là khi doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh khốc liệt trong lẫn ngoài nước cùng với những "bất ổn" phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Do vậy, để đảm bảo nguồn nhân lực trong tình hình mới, nhất là khi các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất hiện nay, thành phố cần xây dựng các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục; đào tạo mới và đào tạo lại lao động thông qua các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại một số ngành, nghề, hình thành những ngành mới; chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp sắp tới phải đảm bảo dự báo được tình hình chuyển đổi nghề và đảm bảo tính định hướng…
Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng việc liên thông giữa các vùng, miền tạo điều kiện cân bằng, ổn định thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Qua đó, không chỉ giúp cho thị trường lao động TP Hồ Chí Minh mà cùng nhiều tỉnh thành phố khác trong cả nước từng bước đồng bộ, hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các địa phương và của cả nước.
Cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang khuyến khích doanh nghiệp chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực dài hạn; thay đổi tư duy về sử dụng nguồn nhân công giá rẻ, thâm dụng lao động để ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, hướng đến người lao động làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Mặt khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của thành phố.
Bài 4: Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp