Chiều ngày 7/7, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo khẳng định nguồn cung hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian mùa dịch bệnh COVID-19 đang rất phong phú, dồi dào, người dân không cần tích trữ, gom hàng gây tụ tập tại nơi công cộng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Chí Minh cho biết, dù TP Hồ Chí Minh có áp dụng chỉ thị nào, quy định ra sao thì TP Hồ Chí Minh sẽ luôn ưu tiên việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Hiện nay, các siêu thị, chợ vẫn mở cửa, tăng công suất hoạt động để tăng mức phục vụ cho nhu cầu của người dân.
“Tính đến chiều 7/7, TP Hồ Chí Minh có hơn 100 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối và cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch. Mặc dù có 3 chợ đầu mối của thành phố tạm ngưng hoạt động (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP Hồ Chí Minh nữa mà thành phố chỉ là thay đổi cách buôn bán, từ tập trung ở chợ đầu mối trước kia giờ chuyển sang buôn bán phân tán, giao hàng tận nơi, tận chợ truyền thống cho khách hàng. Vì vậy, lượng nguồn cung hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh về cơ bản sẽ không thay đổi khi 3 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, những ngày gần đây người dân lo lắng khi thấy nhiều chợ truyền thống đóng cửa, dẫn đến đổ xô đi mua hàng tích trữ, gây sự thiếu hụt cục bộ trong quá trình cung ứng hàng hóa tại chợ và các siêu thị. Để giải quyết việc thiếu hụt hàng hóa cục bộ này, Sở đã làm việc với đơn vị cung ứng hàng hóa như siêu thị, doanh nghiệp sản xuất và khuyến khích hệ thống phân phối mở rộng mạng lưới phân phối, kéo dài thời gian hoạt động.
Về giá cả hàng hóa, đối với các mặt hàng thiết yếu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, thành phố có chương trình bình ổn thị trường, doanh nghiệp bình ổn có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa với giá bình ổn, ổn định phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Là một trong những doanh nghiệp bình ổn chủ lực của thành phố, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, lưu trữ hàng hóa của Saigon Co.op có 12 nhóm hàng thiết yếu, bình ổn, không thay đổi về giá, có thể đảm bảo cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân thành phố từ 1 đến 3 tháng.
Cũng theo ông Đức, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh nên việc thiếu một số mặt hàng trên các quầy kệ chỉ mang tính cục bộ, hàng hóa sẽ được lấp đầy sau đó khoảng từ 30 phút đến khoảng 2 giờ, người dân yên tâm không nên hoang mang, lo thiếu hàng mà đổ xô đi gom hàng tích trữ. Để đảm bảo công tác phòng dịch, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, Saigon Co.op cùng nhiều đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố cũng duy trì nhiều hình thức mua sắm gồm trực tiếp, đặt hàng qua app để nhân viên siêu thị giao hàng đến. Ngoài ra, các hệ thống bán lẻ này cũng hợp tác với một số đối tác như zalo, now, lazada... nhằm hỗ trợ giao hàng cho người dân tận nhà.
Liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng hóa vào thành phố, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị, tỉnh thành luôn tạo điều kiện hỗ trợ các xe chở lương thực, thực phẩm từ các tỉnh ra vào thành phố. Tuy nhiên, quy định các tài xế chở hàng có quy định phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính khi đi ra vào các tỉnh lân cận đang gây khó cho tài xế. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị với các tỉnh lân cận, Bộ Giao thông vận tải cần có hướng dẫn cụ thể và nên thống nhất về thời hạn của giấy xét nghiệm COVID-19 để các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành phố được thông suốt hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, ngày 7/7, nhiều người vẫn tiếp tục đến siêu thị gần nhà để mua sắm các mặt hàng lương thực thực phẩm, khiến các siêu thị phải phục vụ hết công suất. Các siêu thị, cửa hàng đều khẳng định nguồn cung vẫn nhiều, người dân không nên đi mua sắm trong dịp này.