Gần 30 năm đồng hành với công nhân, người lao động nghèo, CEP luôn cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, phát triển cộng đồng và tư vấn cho người lao động nghèo và đến nay đã có mạng lưới 35 chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ.
Nỗ lực vượt khó, vun đắp cuộc sống sung túc hơn
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, ngụ tại Phường 16, Quận 4 là một trong những điển hình vượt khó nuôi hai con học hành chăm ngoan, kể cả khi chồng mất. Chị Hương cho biết, trước đây gia đình không chỉ nghèo, thiếu trước, hụt sau mà còn thật sự khổ bởi cảnh nợ nần, ăn trước, trả sau; đã thế con nhỏ lại hay đau ốm… khiến cuộc sống gia đình gần như không có lối thoát trong cái xóm lao động nghèo.
“Cũng may, từ khi vay CEP gia đình tôi tránh được vay nặng lãi từ bên ngoài; được định hướng cách tiêu dùng, mua bán. Do thuộc hội nghèo nên gia đình còn được CEP cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, trao học bổng cho con nhỏ, tặng quà trong dịp lễ Tết… Sau 12 năm gắn bó với CEP, tôi cũng đã dành dụm chút vốn liếng để mua bán tạp hóa tại nhà”, chị Hương chia sẻ.
Hiện, mỗi ngày của chị Hương bắt đầu từ công việc khoán lao công tạp vụ tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường từ 6 – 9 giờ 00 sáng. Ngay khi xong, trên đường về chị tranh thủ lấy thêm ít rau củ, trái cây các loại về bán kèm cùng các loại đường sữa, bánh kẹo, nước uống… Vừa bán, chị còn tranh thủ nhận bóc tỏi thuê; cùng với hai con gái quán xuyến, chăm lo mọi việc của gia đình từ việc nhẹ của phụ nữ đến cả việc đàn ông nặng nhọc.
Chị Hương cho biết, nhà có ba mẹ con, đứa lớn thường đau yếu, công việc làm suốt ngày; đôi lúc cũng thấy nhọc nhằn, nhưng thật sự thấy vui bởi lo được cho gia đình và hai con, nhất là không còn cảnh nợ nần như trước đây. “Đợt vay mới sắp tới, tôi sẽ gom góp để làm vốn mua sắm hàng hóa bán trong dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, tôi cũng mong thay cái tủ lạnh to hơn để có thể chứa thêm nhiều hàng hóa bán cho người dùng trong xóm”, chị Hương chia sẻ.
Tương tự, gần 14 năm nay vợ chồng chị Nguyễn Thị Lành, ở xã Trung An, huyện Củ Chi từ việc thuê ruộng, mướn trâu để cày đến nay đã mua được máy cày tay, nuôi 4 con bò đực, mua xe máy, sửa chữa được căn nhà kinh tế gia đình đã được cải thiện rất tốt từ việc sử dụng hiệu quả vốn vay của CEP.
Chị Lành cho biết, 14 năm trước, gia đình thuộc hộ nghèo có số; nghèo đến mức vay vốn mà chẳng ai dám cho vay. Đến khi biết CEP, được định hướng công ăn việc làm, vay vốn 1 triệu đồng ở lần đầu tiên cả nhà mừng lắm. “Kể từ đó, ông xã tôi lo mọi việc đồng áng, cày thuê, nuôi bò; còn tôi tập trung làm công nhân tại Công ty bao bì Hoàng Minh, ở ấp Phú Lợi, xã Trung An với mức lương đến nay khoảng 6,5 – 7 triệu/tháng”, chị Lành chia sẻ.
Đến nay, vợ chồng chị Lành đã được vay 30 triệu đồng, mỗi tháng trả 4 triệu đồng. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của vợ chồng chị Lành là được các nhân viên, chi nhánh CEP luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhiệt tình.
Từ những cố gắng, nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, chị Lành còn hướng dẫn, giới thiệu nhiều chị em bên gia đình chồng và hơn 10 người nghèo trong tổ, ấp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ CEP. Kinh nghiệm của vợ chồng chị Lành là chăm chỉ, siêng năng, cố gắng làm lụng, tiết kiệm trả vốn hết vòng này sang vay vòng khác để phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn.
Chị Lành cho biết, trong nhóm vay từ CEP được chị giới thiệu có người buôn bán nhỏ, người làm công nhân, người chăn nuôi thêm… “Tuy nhiên, tất cả chị em được vay đều luôn cố gắng đảm bảo chi trả đầy đủ, đúng hạn định và hơn nữa là quyết tâm làm cho tiền này nảy nở ra tiền kia để đời sống ngày càng sung túc hơn”, chị Lành khẳng định.
Đưa vốn ưu đãi đến tận tay người lao động nghèo
Để đáp ứng nhu cầu về vốn cho người lao động nghèo, nhất là trong những lúc cấp bách, khó khăn hoặc khi hữu sự, nhiều thành viên CEP không ngại nắng mưa, cố gắng hoàn thiện sớm hồ sơ để đưa vốn nhanh, kịp thời đến với người có nhu cầu. Ngược lại, nhiều thành viên vay vốn từ CEP bằng sự chăm chỉ, siêng năng đã được tiếp nhận vào làm việc tại CEP để thực hiện nhiệm vụ đưa vốn tín dụng cùng các chương trình ưu đãi đến tận tay người lao động nghèo.
Chị Trương Thị Trang Đài, nhân viên tín dụng Chi nhánh CEP Bình Tân là trường hợp điển hình khi trước đây là một trong những thành viên khó khăn nhất vay của CEP. Chị Đài cho biết, theo cha mẹ từ tỉnh Long An lên Thành phố lập nghiệp, nhưng vì gia đình đông con, lại không có công việc ổn định, cuộc sống bấp bênh.
“Ban đầu, cha mẹ tôi vay một ít tiền ở tín dụng đen để làm vốn mua bán nhỏ và cho các con ăn học, rồi dần dần mất khả năng trả nợ, bị chủ nợ hăm dọa khiến cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc”, chị Đài chia sẻ. Ngay lúc khó khăn nhất, chị đã tiếp cận được nguồn vốn của CEP; và từ nguồn vốn này đã giúp gia đình trả nợ, các em được hỗ trợ để tiếp tục đến trường.
“Đã từng trải qua nhiều khó khăn, nên tôi rất quý trọng sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Cùng xuất phát điểm, nên tôi càng thấu hiểu những khó khăn của người lao động mong được giúp đỡ. Do đó, khi trở thành nhân viên của CEP tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình; đưa vốn đến với người nghèo; giải quyết những nhu cầu cấp bách cho người nghèo", chị Đài chia sẻ
Tương tự, anh Lê Tiến Đạt, tổ trưởng tín dụng Chi nhánh CEP Quận 8 đã có 20 năm gắn bó với ngành nghề, công việc đã chọn, trong đó có hơn 10 năm tiên phong ở Chi nhánh CEP tại Cần Giờ khi mới thành lập. Tuy khó khăn, gian khổ và thường xuyên xa nhà, nhưng bù lại được đông đảo người lao động ở đây quý mến, xem như người nhà bởi cách tiếp cận, hỗ trợ vốn cho người lao động nghèo.
Anh Đạt cho biết, những ngày làm việc tại CEP là những ngày rong ruổi ngoài đường phố, tư vấn giúp người lao động, làm hồ sơ vay và kiêm luôn cả công tác hướng nghiệp để có thể thu hồi vốn. “Có những trường hợp cần vốn nuôi tôm, tôi vừa giải quyết hỗ trợ vốn, vừa nhờ bên hội khuyến nông giúp về kỹ thuật nuôi tôm. Nhờ vậy tôi biết đến rất nhiều người và nhiều rất người lao động nghèo đã khá lên từ đồng vốn ban đầu của CEP”, anh Đạt chia sẻ.
Có thể thấy, từ ý thức, trách nhiệm cao, nhiều thành viên CEP đã kết nối thành công và gắn chặt với người lao động; tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người nghèo cố gắng vượt khó, vươn lên, thoát nghèo. Sự đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời nghèo khó chính là động lực giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên CEP gắn bó, dành cả nhiệt huyết, đam mê cho công việc.
Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho biết, đối tượng phục vụ của CEP là đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động nghèo nên phần lớn (khoảng 80%) khách hàng mới tham gia chương trình tại mỗi chi nhánh CEP thuộc nhóm nghèo và nghèo nhất trong cộng đồng được xác định theo chuẩn phân loại nghèo của CEP. Do phân bổ đều các chi nhánh và gắn liền với tổ chức Công đoàn nên người lao động nghèo ở khu vực thành phố cùng với 8 tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ hoặc nhân viên để được tư vấn phù hợp.
“Việc người lao động vay vốn được căn cứ vào đánh giá mức nghèo do nhân viên CEP thực hiện gắn liền với công tác khảo sát rủi ro tín dụng ban đầu. Ngược lại, chỉ tiêu tiếp cận và phục vụ người lao động vay vốn của mỗi bộ nhân viên, chi nhánh được đưa vào hệ thống đánh giá năng suất trách nhiệm và thi đua khen thưởng của CEP nên mọi người phải tự rèn luyện kỹ năng, chuyên môn của mình”, ông Thành chia sẻ.
Từ yêu cầu đó, mỗi thành viên của CEP luôn có trách nhiệm hướng dẫn, chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ trực tiếp đến tận tay công nhân, lao động nghèo tại nơi làm việc hoặc nơi ở của họ mà không thu bất kỳ khoản phí nào. Hướng dẫn người vay hoàn trả khoản vay hàng tuần, tháng cùng với khoản tiết kiệm nhỏ phù hợp với khả năng, nguồn thu nhập người lao động nghèo.
Thường xuyên tiếp cận người vay, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Chi nhánh CEP Bến Nghé cũng nhìn nhận cuộc sống của công nhân, người lao động ngày càng khó khăn, nhất là khi 2 năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước những yêu cầu mới, CEP đã triển khai đa dạng các sản phẩm tín dụng, tiết kiệm, ngày càng phù hợp với nhu cầu của người lao động nghèo như: Tín dụng tăng thu nhập, mùa vụ, sửa chữa nhà, học nghề, khẩn cấp, cho hộ sản xuất kinh doanh nhỏ…
Theo ông Tuấn, các sản phẩm tiết kiệm của CEP được thiết kế hướng đến sự tiện ích; đồng thời khuyến khích, tạo thói quen giúp người lao động tiết kiệm từ những khoản tiền rất nhỏ cho những việc khẩn cấp trong gia đình như: khám chữa bệnh, đóng học phí cho con, hữu sự gia đình, tránh khỏi việc đi vay nặng lãi.
Hiện CEP đang hỗ trợ cho hơn 371.000 người được vay vốn từ nguồn vốn của CEP đạt trên 5.000 tỷ đồng; qua đó giúp hàng triệu công nhân, người lao động vượt khó, thoát nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.