Dẫu cuộc chiến phía trước còn nhiều gian nan, thử thách nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả mọi người đều kỳ vọng thành phố sớm vượt qua đại dịch để ổn định, phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Những mục tiêu chưa đạt được
Từ ngày 31/5 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 58 pngày thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn chưa dừng lại và còn diễn biến rất phức tạp.
Trước tình hình trên, ngay trong tối 25/7, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp mở rộng nhằm hạ quyết tâm, cùng nhau đem hết tâm huyết, hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để mang lại kết quả cao nhất.
Chia sẻ tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, qua 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, chúng ta thực hiện được khá nhiều việc nhưng còn nhiều việc chưa làm được. Mục tiêu chúng ta đề ra hầu hết chưa đạt được buộc chúng ta kéo dài thêm một thời gian nữa với tinh thần hạ quyết tâm để thực hiện cho bằng được.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình diễn biến phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm giãn cách ở phía người dân và việc kiểm soát của cơ quan chức năng "ngoài chặt, trong lỏng". Hiện nay, ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người vẫn đi trên đường dù thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
"Chúng ta phải nhận thấy rằng việc này cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân dịch kéo dài, nếu không dừng lại tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc thành phố phải áp dụng những giải pháp mạnh nhất, cao nhất và sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Trước đó, cuối tuần qua, trong quá trình đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Củ Chi và Quận 8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ quan ngại khi quan sát thấy tuy đang thực hiện Chỉ thị 16 nhưng nhiều người dân vẫn còn ra đường, chưa đảm bảo yêu cầu về triển khai các biện pháp giãn cách.
Sau khi nắm số liệu từ Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày, đầu lưu lượng giao thông giảm tới 84% nhưng tới ngày 24/7 đã tăng trở lại, mức giảm còn 70% so với thông thường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Cái này chúng ta làm không nghiêm từ đầu. Cần làm nghiêm ngặt lại nếu không sẽ không thể chống được dịch". Phó Thủ tướng yêu cầu, Thành phố Hồ Chí Minh lập lại kỷ cương trong việc thực hiện giãn cách xã hội.
Ngay trong ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (từ 0 giờ ngày 9/7), quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề như, việc ùn ứ giao thông tại một số chốt cửa ngõ ở quận Gò Vấp, công tác phân phối hàng hóa, xét nghiệm tại cộng đồng...
Ngay sau đó, UBND thành phố đã giao Công an thành phố tổ chức lại các chốt trong khu vực nội đô, linh hoạt hơn để tránh việc ùn ứ giao thông. Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16, nhất là trong thời gian đầu, có nơi có lúc chưa hiệu quả, lúng túng, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn. Về công tác xét nghiệm, vẫn còn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách tại nơi lấy mẫu. Việc trả kết quả xét nghiệm có lúc còn chậm, chưa kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng, dẫn đến công tác khoanh vùng chậm, công tác truy vết mất sức và nguy cơ cao lây nhiễm chéo.
Khó khăn càng khó hơn khi từ ngày 19/7, đồng loạt 19 tỉnh, thành phía Nam cùng thực hiện Chỉ thị 16 do tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Các địa phương này chính là nguồn cung nhiều loại nhu yếu phẩm, nhất là nguồn hàng rau quả, thực phẩm tươi sống hàng ngày cho Thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm bị ảnh hưởng của dịch, giảm quy mô hoạt động, xuất hiện ca mắc COVID-19 trong cơ sở sản xuất. Những vấn đề khách quan nêu trên đặt ra nhiều bài toán về cung ứng lương thực, thực phẩm cho thành phố.
"Chuỗi cung ứng khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán", đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" còn gặp một số vướng mắc phát sinh. Một số chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
"Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 vẫn còn có lúc, có nơi còn chủ quan, lơ là, vi phạm quy định về giãn cách xã hội. Một số khu vực chưa cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm, thiếu hàng hóa cục bộ, giá cả hàng hóa có tăng so với ngày thường. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đưa các thông tin sai sự thật, gây kích động, hoang mang dư luận xã hội làm cho người dân có lúc cảm thấy bất an, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch của thành phố", Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết.
Phân tích thêm về nguyên nhân của những hạn chế này, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh yếu tố khách quan do chủng virus Delta diễn biến nhanh, khó lường thì còn nhiều địa bàn chưa thực hiện nghiêm việc giãn cách từ cả 2 phía, lực lượng chống dịch và người dân. Một số nơi còn tình trạng người dân giao lưu với nhau và ra đường khi không thật sự cần thiết. Nếu không làm nghiêm, tình hình dịch sẽ xấu hơn. Do vậy, cả lực lượng chức năng và người dân thành phố cần đồng lòng, thực hiện nghiêm túc hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch.
Siết chặt các biện pháp
Trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch COVID-19, định hướng mục tiêu và các giải pháp thực hiện, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22/7 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với mục tiêu phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.
"Thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8 nhưng có thể thực hiện Chỉ thị trong 2 tuần để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, trước mắt là ngăn được sự lây lan, phát tán của dịch", ông Phan Văn Mãi nêu rõ.
"Tôi yêu cầu mọi người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình thực hiện nghiêm "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; tuyệt đối không được ra khỏi nhà sau 18 giờ, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh", ông Nguyễn Thành Phong nói và cho biết việc này sẽ áp dụng từ ngày 26/7.
Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, có 2 nhiệm vụ chính hiện nay là giảm số ca F0 và nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu tử vong. Theo đó, thành phố thay đổi tư duy trong công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo tại khu phong tỏa; thực hiện khoanh vùng phong tỏa đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ, không quá hẹp để bỏ sót F0 nhưng cũng không quá rộng vì việc phong tỏa ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Đặc biệt, định kỳ đánh giá tình hình khu phong tỏa để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần khi đã đủ điều kiện an toàn.
Chính quyền địa phương tập trung lực lượng siết chặt các khu phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập"; tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức "đi chợ thay". Lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.
"Để kiềm chế dịch thành công phải kiểm soát thật chặt chẽ khu phong tỏa, thành phố quyết liệt, kiểm soát thực hiện nghiêm giãn cách, không để người dân trong khu phong tỏa tiếp xúc với nhau, theo nguyên tắc "nhà cách ly với nhà, người cách ly với người", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh dồn toàn lực nâng cao năng lực điều trị và giảm thiểu tử vong. Thành phố thực hiện tốt công tác đánh giá, luân chuyển người bệnh từ các cơ sở cách ly, điều trị về quản lý, theo dõi tại nhà đối với người không có triệu chứng và ngược lại khi người bệnh có triệu chứng bất thường hoặc chuyển nặng; triển khai cách ly tại nhà đối với F0, F1 theo quy định của ngành y tế với việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Thành phố nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại tầng 1, tầng 2 theo hệ thống 5 tầng điều trị; phát huy hoạt động của Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch của thành phố trong việc tăng cường lực lượng hỗ trợ cho địa phương thực hiện tốt phương châm 5 tại chỗ. Cùng với đó là nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong công tác điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong.
Để đảm bảo sản xuất, duy trì "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch giảm quy mô sản xuất hợp lý, đảm bảo khoảng cách an toàn trong nhà máy. Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng phương châm "3 tại chỗ", có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng mô hình vừa cách ly, vừa sản xuất đồng thời chăm lo cho người lao động bị cách ly...
"Thành phố đảm bảo cung cấp hàng hóa, thiết yếu cần thiết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly; không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch bệnh", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Thành phố đảm bảo phân phối hàng hóa bằng nhiều phương thức như, mua hàng trực tuyến, từng bước mở lại chợ truyền thống có kiểm soát và giãn cách, tăng cường lực lượng vận chuyển và các chuyến xe bán hàng lưu động, phối hợp các địa phương đảm bảo lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa, thường xuyên kiểm soát giá cả ổn định.
Xác định mặt trận truyền thông có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; đa dạng, thay đổi hình thức tuyên truyền như tờ rơi, xe phát thanh lưu động, ứng dụng trên điện thoại di động... để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là các hộ gia đình trong khu dân cư, khu phong tỏa...
Nhìn nhận từ thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy cuộc chiến với đại dịch COVID-19 chưa bao giờ căng thẳng, khó khăn, khó lường như hiện nay. Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, trong đó có mục tiêu tối thượng là đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho nhân dân, theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, thành phố phải tiếp tục tăng tốc, cần sự thống nhất, đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Cả thành phố cùng chung tay, chung sức, đồng lòng sớm đẩy lùi dịch bệnh. Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, việc dập dịch trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lâu hơn, cần phải có cuộc kháng chiến dài hơi.
Tuy phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng người dân có quyền tin tưởng với sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, sớm lập lại trạng thái bình thường mới để ổn định, phát triển kinh tế, lấy lại nhịp sống năng động vốn có của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.