Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thực trạng hành nghề thẩm mỹ “chui” trên địa bàn Thành phố không phải là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề nóng về nhiều phương diện bởi liên quan đến sức khỏe và tính mạng người dân, cùng với đó các cơ sở thẩm mỹ “chui” có hoạt động ngày tinh vi.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, không phải tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” đều thuộc sự quản lý của ngành y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau. Trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động.
Theo thống kê, trên địa bàn Thành phố hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (tất cả đều thuộc nhóm 3); 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế (nhóm 2); và các cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1).
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dù là thuộc loại hình nào, để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ, Sở Y tế đề nghị các phòng Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và Thanh tra các Sở khác có liên quan để cương quyết xử lý nghiêm, mang tính răn đe.
Song song đó, ngành y tế rất mong người dân tiếp tục cung cấp các thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để cương quyết xử lý nghiêm theo quy định qua kênh thông tin "Y tế trực tuyến", từ đó có cơ sở xử lý hoặc phối hợp xử lý theo quy định; các cơ quan báo đài tiếp tục phối hợp Sở Y tế trong cung cấp thông tin về các cơ sở hành nghề trái phép trên địa bàn.