TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Theo đó, TOD sẽ là cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, đầu mối giao thông và là điểm tập trung dân cư, từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Mô hình này đã phổ biến ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore...
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 là điều kiện thuận lợi để Thành phố triển khai mô hình TOD, điều chỉnh quy hoạch, thu hồi, đấu giá đất vùng phụ cận các đầu mối giao thông lớn để phát triển khu đô thị mới với mật độ dân cư đông, hạ tầng đồng bộ.
Hiện TP Hồ Chí Minh muốn thí điểm mô hình TOD ở khu vực nhà ga metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và các nút giao của dự án đường Vành đai 3, vì đây là hai dự án đang xây dựng. Trong đó, metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, dài gần 20 km, gồm 11 ga trên cao và 3 ga ngầm. Phần lớn các nhà ga của tuyến dọc bên đường Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội, nơi đã có mật độ dân cư tập trung lớn. Trong khi tuyến Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài hơn 47 km, với một số nút giao liên thông lớn với các tỉnh xung quanh như Tân Vạn, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, Tỉnh lộ 10...
Ngoài ra, các đầu mối giao thông chính cũng đã xác định. Quỹ đất xung quanh các khu vực này đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố phối hợp UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, thống kê, có thể triển khai ngay một số dự án thí điểm.
Ở giai đoạn sau sẽ triển khai nhân rộng ra ở một số khu vực, tuyến vành đai, metro số 2… Hiện tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đã có pháp lý rõ ràng, vị trí các nhà ga đầu mối giao thông trên tuyến đã được phê duyệt.
Theo ông Trần Quang Lâm, mô hình “đô thị nén” là nơi có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ nên chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên. Đây là khu vực có ranh giới rõ ràng với xung quanh và đầy đủ dịch vụ. Tuy nhiên, quãng thời gian thí điểm áp dụng cơ chế mới không dài, chỉ 5 năm nên Thành phố cần phải đẩy nhanh tiến trình thực hiện.
Đề án TOD sẽ bao gồm 7 bước, trong đó bước đầu tiên là xác định đầu mối giao thông tập trung có thể hình thành mô hình TOD. Bước thứ 2, xác định phạm vi vùng phụ cận của khu vực nhà ga tuyến đường sắt, metro, nút giao đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đồng thời tiến hành rà soát quỹ đất, đồ án quy hoạch cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đánh giá hiện trạng.
Bước thứ ba, tổ chức điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Bước thứ tư, đề xuất dự án đầu tư công độc lập thực hiện bồi thường để thu hồi đất, phát triển hạ tầng, đô thị. Bước thứ năm, đề xuất dự án đầu tư công độc lập thực hiện bồi thường để thu hồi đất, phát triển hạ tầng, đô thị.
Bước thứ sáu, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư trình Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh phê duyệt. Cuối cùng, tổ chức triển khai dự án và tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án.
Trước đó, tại cuộc họp thông tin, triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 7/2023, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, trong cơ chế chính sách mới, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông được kỳ vọng giúp Thành phố tận dụng được không gian dọc các tuyến metro, đường Vành đai 3 của Thành phố.
Cụ thể, cơ chế cho phép Thành phố sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đặc biệt, Nghị quyết 98 cho phép Thành phố mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức công tư (PPP) đối với các dự án lĩnh vực thể thao, văn hoá.
Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh: “Khơi thông được giao thông là khơi thông được nguồn lực rất lớn cho TP Hồ Chí Minh để giữ vai trò đầu tàu kinh tế. Phát triển đô thị theo tuyến giao thông TOD sẽ là mô hình đô thị mới mà Thành phố theo đuổi”.