Theo đó, tại mỗi khu phố, ấp Thành phố sẽ thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí theo quy mô nhân khẩu của từng khu phố, ấp. Đối với các khu phố, ấp có quy mô nhân khẩu đến 2.700 nhân khẩu được bố trí 3 thành viên (1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 1 tổ viên); các khu phố/ấp có trên 2.700 đến 3.600 nhân khẩu được bố trí thêm 1 tổ viên và tăng thêm đủ 900 nhân khẩu thì bố trí tăng thêm 1 tổ viên
Số liệu dân số TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2023 Thành phố có hơn 9,5 triệu người với địa bàn 312 phường, xã, thị trấn, có 4.861 khu phố, ấp. Trong đó, có 4.469 khu phố/ấp có số nhân khẩu dưới 2.700 người (91,93%) và 2 khu phố ấp có số dân đông nhất với nhân khẩu từ 6.301 đến 7.200 người (0,04%).
Như vậy, trên cơ sở Nghị quyết, trên địa bàn Thành phố sẽ thành lập 4.861 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với tối đa 15.031 thành viên. Trong đó, 4.469 tổ có tối đa 3 thành viên (91,93%); 348 tổ có tối đa 4 thành viên (7,19%); 36 tổ có tối đa 5 thành viên (0,8%); 6 tổ có tối đa 6 thành viên (0,12%) và 2 tổ có tối đa 8 thành viên (0,04%).
Nghị quyết HĐND Thành phố quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được nhận mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng với mức 6,5 triệu đồng/người/tháng đối với Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh trật tự; 6,3 triệu đồng/người/tháng đối với Tổ phó và 6 triệu đồng/người/tháng đối với Tổ viên; được đảm bảo về bảo hiểm xã hội, bồi dưỡng làm việc ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; đảm bảo chế độ hỗ trợ trong trường hợp ốm đau, bị tai nạn, bị thương, bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ…
Đề án về xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được HĐND Thành phố nhất trí ban hành cũng quy định cụ thể về công tác huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng về địa điểm, nơi làm việc, trang bị công cụ hỗ trợ; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, phương tiện, thiết bị; chế độ, chính sách… cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn Thành phố.
HĐND Thành phố nhất trí về sự quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành các quy định về công tác xây dựng và đảm bảo hoạt động hiệu quả của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tử ở cơ sở với tư cách là lực lượng bám cơ sở, nắm chắc tình hình, giải quyết các vụ việc, mâu thuẫn trong nhân dân từ xa, từ sớm; trực tiếp tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, điều hòa giao thông, phòng, cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng là lực lượng phối hợp cùng UBND các cấp, ban, ngành, đoàn thể chức năng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng củng cố, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn...
Hai Nghị quyết của HĐND Thành phố liên quan đến lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh bố trí dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện Nghị quyết theo phân cấp ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.