Đây là nội dung được lãnh đạo các sở, ngành thành phố nhấn mạnh tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề người dân quan tâm do Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức tối 10/7.
Chuẩn bị 50.000 gường thu dung, điều trị COVID-19
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để ứng phó với diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn, Bộ Y tế đã yêu cầu TP Hồ Chí Minh chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị COVID-19. Đến hiện tại, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị 36.500 giường, trong đó 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị có 30.000 giường; 6.500 giường ở các bệnh viện còn lại, bao gồm 1.000 giường điều trị tích cực ở 4 bệnh viện điều trị tuyến cuối là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện 115.
Theo ông Tăng Chí Thượng, hiện nay nhiều bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện đã được chuyển đổi công năng để thu dung điều trị các bệnh nhân nhiễm nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, với chủng virus Delta, có nhiều bệnh nhân từ không có triệu chứng chuyển biến nặng khá nhanh, do đó, các bệnh viện thu dung cũng sẵn sàng phương án để chuyển các trường hợp này lên tuyến trên một cách kịp thời. Cùng với số ca nhiễm tăng kéo theo số người F1 cần cách ly tập trung cũng tăng theo. Hiện nay Bộ Y tế đã đồng ý thí điểm việc cách ly F1 tại nhà, Sở Y tế thành phố đang phối hợp Sở Thông tin Truyền thông trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ giám sát tại nhà để triển khai cách ly tại nhà với các trường hợp đủ điều kiện trong thời gian tới nhằm giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung.
Trước vấn đề phải chuyển đổi nhiều bệnh viện tuyến quận huyện như Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện quận Gò Vấp, Bệnh viện Thủ Đức có ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh thông thường của người dân các khu vực trên hay không, ông Tăng Chí Thượng thông tin, ngành Y tế đang huy động tối đa nhân lực tham gia công tác điều trị COVID-19 nên lực lượng khám chữa bệnh thông thường mỏng hơn, tuy nhiên do số lượng người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế giảm hơn phân nửa so với trước nên vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, người dân tại các quận/huyện có bệnh viện đã chuyển đổi toàn bộ công năng có thể đến các bệnh viện ở quận/huyện lân cận để khám chữa bệnh và sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách bảo hiểm y tế.
Riêng với thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế dự báo trong 5 ngày tới số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh có thể tăng thêm 10.000 ca, ông Tăng Chí Thượng cho rằng: Dịch đang diễn biến phức tạp nên thành phố đã chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất, tuy nhiên người dân không nên quá hoang mang vì phần lớn số người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Sở Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm 5K và các chấp hành các quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 để các lực lượng chức năng tập trung công tác dập dịch.
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
Song song với công tác phòng chống dịch, TP Hồ Chí Minh cũng triển khai nhanh công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt giãn cách.
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 9/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 912,7 tỷ đồng từ các nguồn ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, trong đó giá trị hàng hóa 147 tỷ đồng. Từ nguồn này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã phân bổ về các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các khu phong tỏa.
Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang tích cực rà soát các trường hợp khó khăn để hỗ trợ các phần quà là nhu yếu phẩm với giá trị 300.000 đồng/phần, không để người dân nào chịu đói khi thực hiện giãn cách xã hội. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát nhóm đối tượng lao động tự do, nhóm yếu thế để hỗ trợ theo chủ trương chung của thành phố.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh thông tin, dự kiến có 230.000 lao động tự do bị ảnh hưởng từ các đợt giãn cách trước đó (31/5-9/7/2021), lao động bị giãn việc, giảm lương trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố. Ngoài ra, thành phố đã rà soát 33.000 người làm nghề xe ôm truyền thống và 1.000 người lái xe xích lô, ba gác; 20.300 người bán vé số (bao gồm 8.000 người từ các địa phương đến thành phố tạm trú) để hỗ trợ theo chính sách an sinh của thành phố.
Theo ông Lê Minh Tấn, hiện nay thành phố đang triển khai đồng thời các gói hỗ trợ an sinh xã hội khác nhau của Chính phủ và địa phương với tinh thần chia sẻ với mục tiêu hỗ trợ càng nhiều người càng tốt, giúp người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Tính tới 17 giờ ngày 10/7, lực lượng chức năng của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã xử phạt 841 triệu đồng tập trung vào 3 lỗi: ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, mở kinh doanh đã bị tạm dừng và tập trung đông người.
Riêng lực lượng công an, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Đến 12 giờ ngày 10/7, công an, giao thông đã tiến hành kiểm tra 51.890 lượt phương tiện, 33.624 người, xử lý 203 trường hợp không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, kinh doanh, ra quyết định xử phạt với số tiền xử phạt là 9 triệu đồng. Quận 10, 6,12 là khu vực có nhiều người bị xử phạt.