Xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025
Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố và Chủ tịch UBND Quận 8, các đại biểu HĐND chủ yếu tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác xây dựng nhà ở xã hội, tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội; công tác sửa chữa chung cư cũ; chỉnh trang đô thị…
Đáp lại mối quan tâm của các đại biểu, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đặt mục tiêu phát triển 50 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó nhà ở thương mại là 15,5 triệu m2, nhà ở riêng lẻ là 31,9 triệu m2, nhà ở xã hội 2,5 triệu m2. Mục tiêu này cao hơn khoảng 2,3 lần so với nhiệm kỳ 2016-2020. Điều này cũng đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Thành phố trong thực hiện chương trình phát triển nhà ở, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân Thành phố vốn tăng khoảng 2 triệu người trong mỗi nhiệm kỳ.
Về công tác xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà cho thuê, ông Trần Hoàng Quân cho biết, qua khảo sát, ghi nhận hiện có khoảng 600.000 phòng trọ, trong đó có 40% nhà trọ ở trong các khu dân cư, nhà ở chia phòng cho thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,8 triệu người thuê là công nhân, người lao động. Trên 90% nhà trọ đạt tiêu chuẩn 5m2/người và đảm bảo về các điều kiện sống.
Vừa qua, Chính phủ đã có nghị định cho phép TP Hồ Chí Minh sử dụng đất thương mại dịch vụ trong khu chế xuất - khu công nghiệp để xây nhà lưu trú cho công nhân. Thành phố đã khởi công một số công trình xây dựng nhà trọ cho công nhân, tiếp đó có 4 dự án đang làm thủ tục để thực hiện. Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ có 6 dự án có nhu cầu xây dựng nhà trọ cho công nhân trong các khu chế xuất - khu công nghiệp.
Về phát triển nhà ở xã hội, ông Trần Hoàng Quân cho biết, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của người lao động, Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp trong giai đoạn tới, trong đó sẽ rà soát các diện tích nhà ở xã hội trong các dự án thương mại. Qua rà soát 33 dự án thương mại có 20% quỹ đất là đất nhà ở xã hội cho thấy, nếu xây dựng xong sẽ có trên 70.000 nhà ở xã hội. Đến nay có 14 dự án đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, có thể đưa vào sử dụng 15.000 nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề xuất Thành phố sắp xếp quỹ nhà đất do Nhà nước quản lý để điểu chỉnh quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; rà soát các quỹ đất có quy mô và đất nông nghiệp đã triển khai kêu gọi đấu thầu xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút gọn các thủ tục để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội.
Đề cao Chương trình phát triển nhà ở
Kết luận hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở riêng lẻ phát triển tăng thêm đã góp phần đáp ứng nhu cầu chỗ ở, cải thiện và nâng cao mức sống của người dân Thành phố.
Việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở kết hợp với chỉnh trang, phát triển đô thị thông qua việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, việc cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu đã góp phần làm thay đổi diện mạo Thành phố theo hướng ngày càng hiện đại văn minh.
Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021 – 2030; quan tâm nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh, bổ sung đối với việc quy hoạch tổ chức không gian đô thị, quy hoạch diện tích đất phát triển nhà ở của Thành phố trong thời gian tới.
UBND Thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến chất lượng công trình, pháp lý dự án, công tác phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi lựa chọn sinh sống tại các căn hộ chung cư, đặc biệt là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho cư dân.
Bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; từ đó tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư để phát triển các dự án nhà ở xã hội, “khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp” nhà lưu trú công nhân. Đây là chỉ tiêu mà UBND Thành phố chưa đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020. Vì vậy, cần nỗ lực quyết tâm để thực hiện phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các quỹ đất công, các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc có vị trí gần các khu chế xuất, khu công nghiệp, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương, đơn vị đã có quỹ đất sạch nhưng thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai; thực hiện đầu tư xây dựng các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo việc phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, quan tâm ưu tiên bố trí vốn, huy động vốn, giải ngân đúng tiến độ, tạo quỹ nhà tái định cư để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, bao gồm việc thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ; việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch; việc cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn quận, huyện.
Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban – ngành và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức quán triệt và tập trung thực hiện tốt chính sách nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo thực hiện công bằng xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế bền vững, xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.