Dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, bộ, ngành liên quan, UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Không tổ chức HĐND quận, phường
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước.
Liên quan đến việc xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thành phố xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở pháp lý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cơ sở thực tiễn của Thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009 - 2016 đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong quá trình xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, Thành phố đã phối hợp với các cơ quan đánh giá tổ chức hoạt động của chính quyền các cấp tại Thành phố từ năm 2016 đến nay, so sánh với kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn trước, nhằm đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp trong giai đoạn mới. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm từ quá trình xây dựng Đề án của Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ góp ý của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp, ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Thành phố đã tổ chức đoàn công tác tham vấn ý kiến của các cơ quan Trung ương để tiếp thu, giải trình các vấn đề liên quan, giúp cho Đề án được hoàn thiện kịp thời, đảm bảo chất lượng và đúng theo quy định.
Hiện, Thành phố đã tiếp thu đầy đủ, cụ thể vào Đề án và dự thảo Nghị quyết, trong đó trọng tâm là đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đô thị đặc biệt.
“Đây là thời điểm chín muồi để Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Đề án và dự thảo Nghị quyết Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố. Nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Bày tỏ hy vọng Nghị quyết này sẽ được thông qua trong tháng 10/2020 để Thành phố có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2016, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nếu không kịp tiến độ, Thành phải chờ thêm 5 năm nữa mới có thể đề xuất triển khai thực hiện mô hình này.
Báo cáo tóm tắt về Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh đến cơ sở thực tiễn của Đề án, trong đó có việc Thành phố thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng, là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất (gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12. Khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn được đảm bảo, một số mặt thực hiện dân chủ ở cơ sở được tăng cường. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính.
Chính quyền địa phương ở Thành phố gồm có HĐND và UBND Thành phố. Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận và ở phường là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thời gian thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Thống nhất nội dung Đề án
Theo báo cáo của Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để xây dựng Đề án. Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp thu các ý kiến qua các hội nghị, hồ sơ dày dặn, công phu và có tinh thần cầu thị. Đề án đã đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng nêu quan điểm của Bộ Nội vụ là không làm thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh mà áp dụng luôn các quy định của pháp luật bởi đã có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Những vấn đề chưa có trong quy định của Luật sẽ được quy định tại Nghị quyết.
Ông Phan Văn Hùng đề nghị Đề án làm rõ thêm việc giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức khi không còn HĐND quận, phường; tăng thời lượng về biện pháp giám sát; phương án sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách với những cán bộ, công chức ở HĐND cũng như cơ quan, tổ chức quận, phường khi triển khai Đề án trên thực tiễn.
Các ý kiến tại buổi làm việc đa phần thống nhất cao với đề án, cho rằng không cần thực hiện thí điểm mà tiến hành luôn việc tổ chức chính quyền đô thị. Qua lấy phiếu của Hội đồng, 13/13 phiếu phát ra đều đồng ý với tên gọi và nội dung của Đề án.
Nhiều điểm mới
Nhấn mạnh cần tổ chức mô hình chính quyền đô thị phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn nhất, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, Hội đồng thẩm định thống nhất về sự cần thiết xây dựng Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua và triển khai thực hiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính quyền địa phương ở quận, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh là UBND quận và UBND phường, đây là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, không phải là một cấp chính quyền. UBND quận, phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, không theo chế độ lãnh đạo tập thể, điều này thay đổi hoàn toàn cơ chế quan hệ phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.
“Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường là công chức, không còn là cán bộ. Trước đây, các chức vụ này do HĐND bầu nhưng nay thực hiện theo cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức do cơ quan hành chính cấp trên tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giải quyết các nội dung khác liên quan đến quản lý công chức. Đây là một điểm rất mới”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn thông tin.
Với Đề án này, cán bộ, công chức làm việc trong hệ thống chính trị ở phường chuyển từ cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức; đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền đối với UBND quận, phường cũng như bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Đề án cũng đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp quan hệ công tác giữa các cơ quan nhà nước, kể cả với cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, góp phần xây dựng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của người dân, phù hợp với bối cảnh hiện nay và là cơ sở nền tảng để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.