Hội thảo có 100 báo cáo khoa học của các chuyên gia, lãnh đạo, đơn vị đến từ Trung ương và địa phương. Tất cả các tham luận đều tập trung vào những nội dung làm sáng tỏ không gian văn hóa Hồ Chí Minh và đưa ra các giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiệu quả để người dân hiểu, chung tay xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, Thành phố đã và đang xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Thành phố. Theo đó, Thành phố đã từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chi Minh trên cả ba phương diện: văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng. Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng nhận thức việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TP Hồ Chí Minh, nhân dân Nam bộ với Bác Hồ kính yêu.
"Vì vậy, muốn xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiệu quả, TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào các giải pháp phổ biến, truyền bá các giá trị văn hóa để người dân tiếp thu, hình thành giá trị văn hóa tốt đẹp nhất. Mặt khác, cần nhận rộng các mô hình, cách làm hay tại các địa phương để việc phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam được mở rộng hơn bên cạnh việc học tập và làm theo đạo đức, văn hóa của Bác Hồ", PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nói.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP Hồ Chí Minh là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. Đây được xem là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vì vậy, để thực hiện hiệu quả nội dung này, trước hết là xây dựng văn hóa, con người Thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Điều này đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01 của Bộ Chính trị gắn với phẩm chất của người dân TP Hồ Chí Minh. Đó là phẩm chất kiên cường, tiên phong, năng động, sáng tạo, nghĩa tình gắn với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có thể xem là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh. Do đó, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong đời sống nhân dân, trong đội ngũ lãnh đạo Đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức...
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay TP Hồ Chí Minh đã và đang xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gắn với xây dựng thành phố nghĩa tình, văn minh... Bởi khi nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì khi đó mới có thể cùng chung tay với chính quyền xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực chất và hiệu quả.
Mặt khác, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng được xem là giải pháp góp phần xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “nói đi đôi với làm”. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã tập trung giải pháp xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường học, từ bậc phổ thông đến đại học để giúp hình thành nên những mô hình văn hóa khá đặc sắc, có ý nghĩa thiết thực trong thế hệ trẻ..
"Sắp tới, để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiệu quả, các đơn vị, ban ngành cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của các lực lượng của thành phố trong xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh, với sự dẫn dắt, định hướng, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên. Trong đó, cần có giải pháp phù hợp để người dân đồng lòng, chủ động tham gia và có thể thụ hưởng được ngày càng nhiều các giá trị, lợi ích của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông xã hội trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh… để lan tỏa các giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người...", ông Nguyễn Văn Hiếu nói.