Cà phê cùn

Dọc con đường hai bên quán xá cà phê la liệt, hắn chẳng rõ vì cớ làm sao chỗ này lại được mình quyết định chọn làm chốn dừng chân. Có thể bởi cái tên nghe là lạ của quán đập vào mắt, có thể nhờ các cô em xinh tươi váy ngắn chân dài luôn miệng cười duyên xởi lởi mời gọi, cũng có thể đơn giản chỉ do hắn không còn tâm trí nào để tâm đến những điều xảy ra chung quanh nữa.


Tết này hắn ở lại thành phố. Trong khi anh em bạn bè làm chung cứ lần lượt đáp xe ra ga về quê sum vầy với gia đình, thì hắn vẫn vất vưởng nơi đất khách quê người. Một mình.

 

Minh họa: Trần Thắng


Chưa yên vị xuống ghế, em tiếp viên mặt hoa da phấn, áo hai dây, váy ngắn cũn cỡn đã đon đả, giọng ngọt như mía lùi:


“Cưng uống gì để em phục vụ cưng nè!”


“Cho… cho đen đá.”


Em gái mươi phút sau đã bưng ra ly cà phê mát rượi. Ngó thấy gương mặt mồ hôi mồ kê, lấm lem bụi bặm, em đánh “bốp” một cái, nhẹ nhàng gỡ chiếc khăn lạnh lau mặt cho hắn. Lau đến đâu, hắn rùng mình đến đấy. Mát quá, lại có hương thơm nữa. Em gái kê ghế ngồi xuống bên hắn, giả lả bắt chuyện:
“Cưng mệt lắm phải không, để em làm “bà xã” chăm sóc cưng nghen.”


“Bà xã”? Hắn giật mình. Ô hắn nhớ rồi, đây đâu phải quán cà phê cóc bình dân hắn hay ngồi với anh em tán dóc. Em gái nhanh chóng tựa đầu lên vai hắn nũng nịu:


“Ông xã có chuyện gì buồn kể em nghe đi…”


Ôi trời, “ông xã” nữa kia à. Uống một ly cà phê mà đã có ngay một “bà xã” xinh đẹp rồi. Điều mà hắn bao giờ dám mơ với đồng lương công nhân bèo bọt thế này.


Mất một lúc lâu bối rối, hắn mới mở lời được:


“Em… em tên gì?”


“Em tên Lan. Người yêu em tên Điệp. Ông xã tên gì?”


Vừa nói “em Lan” vừa dúi dúi đầu vào ngực hắn. Hắn phì cười, nhưng cũng thật thà đáp lại.


“Anh tên Long, công nhân khu chế xuất… này. Em làm ở đây lâu chưa, quê em ở đâu?”


“Dạ ba tháng. Em ở miền Tây. Ông xã em quê ở đâu, Tết này có dắt em về ra mắt hông?”


Nhấp một ngụm cà phê đắng chát, hắn thở dài rất nhẹ. Về quê ư? Thèm như thèm một tô mì Quảng.


“Ai đã về thăm xứ Quảng Nam tôi. Đất Quảng Nam gian khó nhưng thắm đượm tình người. Gió trăng hữu tình soi Non Nước…


… Ai ra đi, xin hãy mau quay trở về…“.


Mỗi khi rảnh rang ở phòng trọ buồn bã nghe anh em rủ rê vào tiệm Net, hắn lại đeo headphone bật mỗi bài Quảng Nam quê tôi ấy lên nghe. Vừa nghe vừa sụt sùi. Giọng của Thùy Dương ngọt ngào da diết, từng lời ca trôi vào lòng như muốn kéo tuột hắn đến một miền ký ức thăm thẳm của tuổi thơ.


“Em đã từng ăn mì Quảng chưa?”


“Mì hả ông xã. Tối đói bụng mấy đứa tụi em cũng hay gọi mì gõ vô ăn…”


Hắn đoán quả không sai. Tự nhiên lại thấy buồn vô hạn, chồng chéo lên nỗi buồn của người con tha hương Tết không về, thương sao món mì Quảng hồn quê cùng thân phận đám công nhân, hững hờ nào ai hay ai biết. Lại còn bị “người ta” nhầm lẫn thành mì gõ mì xào gì đó bán đầy rẫy khắp phố thị Sài Gòn.


“Sao anh im vậy. Bộ đói bụng hả ông xã, muốn ăn mì Quảng gõ hả?”


Ôi thôi quá đủ rồi! Hắn toan đứng dậy trả tiền bỏ về ngay. Nhưng chợt nhận ra chỉ còn lại mỗi mình nơi chốn này không ai thân thích, hắn lại thừ người ra. Im lặng.


Trời nhá nhem rồi tối hẳn. Nhìn ra đường xe cộ qua lại nhộn nhịp. Những ánh đèn pha thỉnh thoảng lại rọi vào mặt hắn, chói chang. Một đám khách vừa vào. Các em tiếp viên ùa ra kéo bọn thanh niên vô bàn, mời mọc, tíu tít nói cười. Chộn rộn cả một không gian quán vốn đã đinh tai với tiếng nhạc Dance xập xình.


“Không phải mì em và bạn hay ăn đâu. Mì Quảng ở quê anh ngon lắm, ăn một lần rồi đi đâu cũng nhớ mãi thôi…”


Làm sao nói hết được cái ngon người con xứ Quảng cảm nhận cho một cô gái xa lạ chưa bao giờ biết đến hương vị nước nhân sền sệt có tôm giã, thịt heo sắt vụn, đậu phộng rang… được chan xâm xấp hòa quyện với sợi mì Quảng làm bằng bột gạo đem nhuộm vàng dẻo tơi vừa độ. Hay vị tươi ngon của các loại rau dọn cùng, miếng bánh tráng thơm tho giòn ruộm, đặc biệt là trái ớt xanh vừa ăn mì vừa cắn một cái cay giòn nức mũi, thổn thức như nhớ mẹ nhớ cha.


“Vậy hả ông xã. Hay ông xã dắt em đi ăn nghen, cho em được thưởng thức”.


Mọi cô nàng tiếp viên ở đây đều giống nhau. Không chỉ riêng Cà phê Cùn mà tất cả các quán xá dọc hai bên con đường này. Họ trò chuyện, tâm sự cùng khách, buông những câu à ơi, liếc hai con mắt đưa tình. Nhưng rồi hắn biết ngay sau khi đứng dậy, trả tiền nước, “boa” cho “em Lan” một khoản “sộp”, những tâm tình ấy cũng theo cơn bụi mù ngoài kia cuốn đi đâu mất tăm. Hoàn toàn sạch sẽ trong tâm tưởng của nàng. Vì nàng còn mải bận bịu trò chuyện với ông khách bụng bia mới vào vừa ngồi xuống.


Nhưng thôi, có người chịu ngồi cùng ta tâm sự, dù chẳng mấy thật tình, vẫn hơn nhiều lải nhải một mình với những nghĩ suy, tự nhốt nỗi cô đơn trong bốn gian phòng trọ mà ngắm bước chân Tết mỗi lúc đến gần kề.


“Tết em không về quê sao?”


“Về làm gì anh ơi. Em ở trên này vui hơn nhiều, cái chỗ khỉ ho cò gáy có gì là hay!”


“Không nhớ gia đình sao em?”


“Mới đầu thì có nhưng riết quen. Mấy chị làm chung với em cũng vậy. Nhưng về nhà được hai ba hôm thì chán, có việc gì làm đâu, tiền cũng không. Ở đây làm có tiền gửi về đỡ đần ông bà còn hơn.”


“Lan” nói đúng. Hắn là người đồng cảnh ngộ. Về quê là tốn thêm một khoản tiền với đời công nhân lương còi cọc luôn thiếu ra hụt vào. Chạy vạy mãi cũng không đọ nổi cơm áo gạo tiền, gần đến Tết thì túi sạch nhẵn, phải vay mượn người ta mất một khoản. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cha lắm nhưng hắn cũng đành cắn răng cho cái Tết này mau trôi đi. Ráng làm lụng còn gửi tiền về lo cho thằng em trai học lớp mười, năm sau lên mười một.


Học cho giỏi gắng sau này thi đậu đại học, đừng để lỡ dở như anh mà khổ một đời!


Thằng em ôm hắn khóc nức nở ngày hắn một mình vào Sài Gòn mưu sinh. Khi đi hắn vẫn hừng hực ước mơ đổi đời lắm. Sẽ làm giàu! Sẽ tìm được việc, tích cóp, lo cho gia đình, mua nhà, cưới vợ, sinh con…


Nhưng rồi thực tế bao giờ cũng khắc nghiệt hơn tưởng tượng.


“Em làm ở đây sướng hơn tụi công nhân bọn anh rất nhiều…”.


“Dạ. Thương ông xã của em quá. Tối cứ ra ngồi với em nha, thư giãn là thấy hết căng thẳng hà!”.


Không biết một ngày có bao nhiêu người được làm “ông xã” của em rồi? Hắn toan hỏi thế nhưng lại thôi. Tất cả cũng chỉ vì mưu sinh, nỡ lòng nào mà trách cứ người ta.


“Anh mời em đi ăn mì với anh được không?”.


Hắn hỏi bằng tất cả sự chân thành. Nhưng hắn biết hẳn nhiên đáp lại chỉ là cái lắc đầu từ chối kèm hứa hẹn qua loa:


“Bữa nay đông khách chủ không cho đi đâu ông xã ơi. Để hôm nào bà xã rảnh rồi đi với cưng nha!”.


Hắn gật đầu, với ly cà phê tan đá loãng toẹt nốc một ngụm cạn đáy. Móc túi lấy ra tờ năm mươi nghìn nhàu nhĩ, hắn đưa cho “Lan”.


“Của em đây…”.


“Lan” nhìn hắn với đôi mắt tỏ ý khinh thường. Thôi cũng đành, hắn đứng dậy, mặc kệ.


Trên đường về hắn tạt vào gánh mì gõ ven đường, làm một tô. Mì Quảng ơi, tau nhớ mi!


Tô mì gõ trước mặt hôi hổi khói bốc nghi ngút. Tự nhiên mắt hắn rơm rớm nước, vội quẹt đi, và mì ngon lành. Làm sao bằng mì Quảng được, sao bằng mì Quảng xứ ta được…. Hắn nhớ lại ánh mắt của “Lan” khi nãy. Em đâu biết với anh dành dụm được năm mươi nghìn thật chẳng chút dễ dàng. Không đơn giản chỉ cần ngồi một chỗ, nhận mình làm “bà xã”, gọi hết người này người kia là “ông xã”, nói đủ thứ chuyện tầm phào, liếc mắt đưa tình, cười cợt rồi nhõng nhẽo… nào có giản đơn được vậy đâu. Hắn với chén ớt xắt, cho thật nhiều vào tô. Vị cay nồng xè lưỡi xâm chiếm. Ngon, ngon quá, ngon quá.


Một cơn bụi mù bất chợt từ đâu bật đến, bốc hết vào mặt vào mũi, vào cả tô mì còn đang ăn dang dở.


Hắn sững sờ. Thằng bé con gần đó đang đợi lấy mì giao cho khách ngó thấy hết, vội vội vàng vàng đặt bốn tô lên khay, bưng lên chạy thật nhanh. Ngoài phố xe cộ người ta đổ xô đi mua sắm tết, kiếm chậu mai cành đào về trưng, dạo đường hoa tấp nập, kẹt cứng cả mấy đoạn dài. Nhìn gương mặt rạng rỡ của bọn trẻ con theo bố mẹ xuống đường, xúng xính trong áo mới đẹp xinh, miệng bi bô, tay chỉ trỏ hết đèn lồng đến bảng hiệu rực rỡ… hắn nửa thấy vui lây, lại cảm giác chạnh lòng.


Tết tết tết tết đến rồi. Tết tết tết tết đến rồi. Tết tết tết tết tết đến rồi. Tết đến trong tim mọi người…


Tiếng nhạc quen thuộc chẳng biết từ đâu phát lên rộn ràng, hay từ chính tận thẳm sâu trong cõi lòng của hắn. Giờ này mà được ở nhà hắn sẽ vòi vĩnh mẹ làm mì Quảng một tô thật to. Không, phải mấy tô liền, chục tô hắn còn ăn được. Ăn cho đã thèm, đã nhớ, đã thương, cho đến khi no vỡ bụng mới thôi, cho quên cái đời nhọc nhằn nặng gánh lo toan này.


Buông đũa xuống, hắn kêu tính tiền. Tô mì dính bụi mới ăn được quá nửa vẫn còn nguyên. Ở nhà mà bỏ mứa vậy mẹ mắng chết. Ôi thôi mắt hắn hóa cay xè. Bụi vào mắt rồi, bụi vào mắt rồi, càng dụi mắt lại càng đỏ hoe.


Xa kia, Cà phê Cùn nhạc vẫn dập xập xình. Vẫn người ra kẻ vào nườm nượp. Vẫn những cô em váy ngắn chân dài miệng cười tươi roi rói. Vẫn quanh đi quẩn lại những tâm tình cuộc chuyện của đủ mọi phận người.


Cho đến khi nhạc và đèn đều tắt, cửa đóng then cài. Những cô gái chật chội nằm cạnh nhau. Có tiếng rưng rức từ đâu đó, thêm dần nhiều giọng thút thít trong đêm.


Mẹ ơi… con xuân này vắng nhà…

 

Lưu Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN