Nắng mọc lên từ phía vành nón nghiêng của Hạ, từ phía mặt sông phẳng như gương hắt lên. Nắng pha màu trên tóc, trên má Hạ, uốn lượn theo những đường cong xuân thì hôi hổi khiến lòng ai đó chới với, chòng chành. Người ta có cảm giác như cô vừa bước ra từ vùng ánh sáng chói chang đó. Cô ngưng chèo để mặc con đò thư thả cập bờ. Đó là nơi đám câu treo ngồi lê đôi mách từ chiều tới xẩm tối, nhai đi nhai lại những câu hát cũ rích kiểu: “Thượng điền tích thủy hạ điền khan” rồi uống, rồi cười ngặt nghẽo với nhau mà không cần biết phong ba bão tố là gì. Họ là những người có nghề mà không có nghiệp, có sức có tài mà không có chỗ dụng công. Đất đai đã bị chìm vào biển nước thì cày cuốc được gì, không vốn liếng thì làm sao nuôi được con cá, con tôm.
Sau buổi cuốc mướn cày thuê thì họ tụ tập về đây để đánh quả chót kiếm thêm đồng mắm, đồng rau thế thôi. Có cũng được mà không cũng được bởi cái nghề câu treo đâu dễ dàng gì, đâu phải năm ăn năm thua mà sẵn sàng máu lửa. Còn không được thì được bạn bè, được tình cảm, được chén chung chén thủy cũng quý chứ sao.
Có một điều mà ít ai biết là được hay không thì họ cũng tụ tập tại bến sông này để đưa tiễn, để vẫy tay chào những chuyến đò chợ chuyển tải những con cá về với những bữa cơm ngon.
- Đi chợ sớm vậy cô Hạ.
- Sáng qua em đi trễ có chút xíu mà mấy anh cũng không đợi nổi. Bán hết cho người ta…
- Bọn tui tưởng cô… theo chồng về miệt thứ rồi chứ…
- Xạo bà cố. Về miệt thứ thì có khối gì ao đầm nuôi cá, nuôi tôm mắc chi mà phải đêm hôm mò mẫm cho cực vậy, phải không mấy anh.
- Thì phải vào hang hùm mới bắt được cọp con chứ cô Hạ.
- Chả cần vào đó cũng có cả bầy.
Cả bọn cùng cười, Hạ cũng cười. Có tiếng ai đó châm biếm:
- Cây khô không trái… Tui có thấy gì đâu cô Hai.
- Thiệt sao. Đổ chả trứng còn thừa nữa chứ ốp la.
- Thật không. Sao chẳng thấy ai rước về nuôi.
- Biết mà, suôn đuột có khác. Con dễ nuôi nhất là con vợ mà hổng nuôi nổi thì chẳng nuôi được con gì… trừ con ba lăng nhăng…
Tiếng vỗ tay rào rào. Hạ thản nhiên chống sào cập chặt đò vào bến nhận cá. Sau khi Hạ đã đo đếm cân đong, An giở nắp hầm đò giúi từng con cá to như cái bắp chuối vào đó. Không biết tự bao giờ nhưng có lẽ cũng nhiều năm rồi An làm công việc này. Cái công việc hầu như là thiện nguyện bởi ngày đó Hạ nào biết cái ngạnh của con cá trê, cá lăng bén tới cỡ nào đâu. Đến khi bị nó đâm vào tay, máu chảy ra xối xả thì cô mới thấy đau nhức kinh hồn. An xé toạc bao thuốc lá vò đại vài điếu rồi rịt vào vết thương cho cô bằng cánh tay áo cũng vừa xé toạc của mình. Hạ rơm rớm nước mắt không biết vì đau hay vì cảm động, chỉ biết là từ đó họ thành đôi bạn thân thiết hơn mức ngoại giao.
Ngày trước ai mà không khổ, bám ruộng bám đồng là điều tất yếu nhưng để có cái ăn cũng phải mất vài ba tháng cặm cụi gieo trồng. Không dựa vào con cá con tôm, con lươn con ốc thì có mà chết đói. Nhưng để bắt được chúng thì cũng phải có lưới, có nơm, phải đứng rớ hay quăng chài chứ làm sao mà tay không bắt giặc cho được. Cũng may là trời sinh voi sinh cỏ nên cũng có người bắt giặc tay không đó là nghề câu treo chỉ với dăm thước cước hay dây dù và vài cái lưỡi làm bằng tăm xe đạp là ngon lành.
Câu treo thì phải câu cá lớn nghĩa là mồi cũng phải lớn. Mồi là những con cá cỡ hai, ba ngón tay hay ếch nhái còn sống, đó là món khoái khẩu của cá lăng, cá lóc. Còn câu treo là cách nói cho có văn vẻ vậy thôi chứ thật ra câu treo là câu bằng cách buộc một đầu dây cước vào cành cây lòa xòa trên mặt nước thay cho cần câu sao cho con mồi có thể chạy đi chạy lại hay chạy vòng vo là được.
Với người tay không bắt giặc thì làm gì có xuồng, có đò. Họ men theo bờ sông tìm những cành cây chồm ra phía giữa dòng mà treo những cái bẫy cá như thế. Ngon ăn nhất là mùa nước nổi, chuột bọ rắn rín đều bám vào những cây cao hơn mặt nước mà trú ngụ còn dưới nước thì đủ thứ thủy quái chực chờ. Treo được vào đây bao nhiêu lưỡi cũng đều ăn chắc.
An cũng thế, cũng mon men theo từng con nước nổi như thế, cũng móc mồi vào kỳ lưng con mồi như thế, nhưng kết quả thì chẳng đáng là bao bởi anh không có đò để lao ra tóm cá kịp thời. Còn bơi ra trong đêm tối thì nguy hiểm quá. Đành chịu. An đổi những thứ ấy bằng giấc ngủ khá ngon lành trước khi tung người đón ánh bình minh.
- Anh bệnh à. Sao mấy bữa rày không câu được cá? - Hạ lo lắng.
- Nghe tiếng cá mắc câu quẫy đập rầm rầm nhưng trời tối quá, nước lại chảy xiết…
- Ủa, chớ anh đi câu bằng gì?- Đôi chân. - An cười hồn nhiên.
- Cá lớn có ăn trong bờ đâu mà câu.
- Thì cũng lé đé giữa dòng đó chớ nhưng khi tui bơi đến thì cái lưỡi câu đã tác hoác ra rồi.
- Là sao? Em không hiểu.
- Là con cá đã về với vợ nó rồi chớ sao.
- Quỷ sứ. - Hạ nhéo An thật đau.
Từ đó con đò của Hạ có thêm những chuyến xuyên đêm. Ổ khóa con đò vào gốc si già có rễ vồng lên mặt nước giờ cũng có hai chìa. Cuộc sống không ẩn mình mà hóa thân thành đa cấp nâng cánh cho những ai có nhiệt huyết, mưu cầu. Đêm không dài ra vì những chuyến câu treo của An mà đêm dài ra vì lo toan chờ đợi của Hạ. Không ai hiểu chỉ mình An hiểu rằng anh đã cố hết sức, hết lòng nhưng cuộc đời vốn dĩ không phải là những gì mình mơ ước nên chuyện thành bại ở đời không thể tự mình quyết định cho ta. An vẫn yêu. Mà ngoài Hạ thì còn ai khác cơ chứ. Một mẫu người chưa phải là tuyệt hảo nhưng thắp đuốc đi suốt đời An cũng chưa chắc đã tìm ra. Hạ không quê nhưng chất quê trong người cô không thể nào bôi xóa. Đức độ nhân từ thì An đã biết, còn công dung ngôn hạnh thì có đôi khi hàng cá phải đá hàng tôm để có chỗ sinh tồn.
An không dám. Mà thật lòng An chưa dám nói yêu ai. Cái nghèo hình như làm cho người ta không còn nhuệ khí đấu tranh nên lắm khi phải chấp nhận thiệt thòi. Kinh qua chữ thân phận thì hầu như đàn ông là người phải trả giá đắt nhất. Không chết. Không đui què mẻ sứt nhưng đau vì sự hy sinh quá sức lực mình. An muốn bỏ đi thật xa, xa con đò đã cưu mang mình bao tháng năm dài nhưng anh nào có thể. Nó là mái ấm cho những đêm mưa gió sụt sùi. Nhưng quan trọng nhất nó là hiện thân của một tấm lòng, của Hạ. An chờ.
Trăng thu không sáng bởi nghe đâu có vài cơn bão cấp sắp đổ bộ vào đất liền, An neo đò vào vồng rễ si rồi đốt sáng cây đèn bão như báo hiệu với trời nước mênh mông rằng đêm nay anh không ra khơi. Tiếng lá rơi tuy rất khẽ nhưng cũng không thể nào qua được bộ thu dẫu trong anh luôn ứng chiến khiến An thường ngồi dậy bởi nhầm tiếng bước chân của ai đó. Tình yêu là thứ ma lực mạnh và đỏng đảnh đến chẳng ai ngờ. An đợi. Đợi như thế đã bao hôm rồi. Chẳng muốn làm ăn gì. Chẳng buồn thả lưới giăng câu. Bữa cơn sáng băng qua trưa mà vẫn chưa muốn ngồi vào mâm chiều. Không đạm bạc nhưng chẳng thể nào nuốt nổi.
- An ơi, An…
- Dạ cháu đây.
- Biết ai mà xưng cháu hả cu cậu.
- Dì Sáu…
- Ừa, nhưng có chuyện quan trọng…
- Dì nói đi…
- Con Hạ nhờ dì chuyển tận tay cháu cái này… Nó đã khóc hết nước mắt…
Trăng thu không thật sự sáng bởi nghe đâu cơn bão sắp đến nhưng ánh sáng của nó cũng đủ soi thấu cả lòng An. Tay An run run đón nhận phong thư đã nhòe màu giằn vặt cho dù chẳng có gì dan díu hay nuối tiếc ai. Nó lao đò ra giữa dòng thu lạnh ngắt. Giữa vòng xoáy cuồng điên và giữa tiếng kêu thất thanh của dì Sáu.