Phải vất vả lắm Ánh Tuyết mới được lãnh đạo, ban biên tập đồng ý cho đi tác nghiệp ở Hoàng Sa. Qua được ngưỡng cửa tòa soạn, phóng viên Ánh Tuyết lại bị một rào cản thứ hai từ tàu Kiểm ngư, nhưng không có gì làm xoay chuyển được quyết tâm của nữ phóng viên trẻ tuổi này.
Trước khi xuống tàu, một cán bộ Kiểm ngư đã thân tình trao đổi với các phóng viên:
- Đây là chuyến đi vô cùng hệ trọng. Ngoài sóng gió trùng khơi, tàu chúng ta còn phải đối phó với tàu Trung Quốc ngày đêm đe dọa, gây áp lực cho anh em chúng mình. Nếu chưa có tư thế sẵn sàng, anh em hãy suy nghĩ lại. Đặc biệt là cô Ánh Tuyết, chuyến ra khơi này chỉ có mình cô là nữ, rất bất tiện và rất khó khăn cho cô.
Nữ phóng viên Ánh Tuyết lên tiếng:
- Em vẫn biết đây là một chuyến đi đầy cam go và thử thách nhưng em không hề nao núng. Em coi đây là một chuyến công tác có ý nghĩa nhất trong đời làm báo của em. Xin các anh vui lòng chấp nhận.
* * *
Chiếc tàu Kiểm ngư rực rỡ màu cờ Tổ quốc Việt Nam mang theo 10 phóng viên từ từ lướt sóng, hướng thẳng về vùng biển Hoàng Sa, nơi có giàn khoan HD - 981 của Trung Quốc đang nghễu nghện như một con quái vật khổng lồ.
Càng ra xa, anh em phóng viên càng nôn nao, mong được sớm đến nơi để ghi hình ảnh từ thực địa Hoàng Sa. Còn đội Kiểm ngư thì lúc nào cũng khẩn trương, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn ra. Khi màn đêm buông xuống, trước mắt mọi người là một màu đen sẫm, xa xa vài ánh đèn của tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư chớp lóe càng làm cho trời biển mênh mông sâu thẳm. Anh em phóng viên chia nhau tìm chỗ nghỉ nhưng trong lòng cảm thấy bâng khuâng và trằn trọc không sao nhắm mắt vì càng về đêm gió càng lạnh, nhiều người say sóng đến nỗi bỏ ăn, bỏ uống, mặt mày phờ phạc.
- Các anh chị hãy ngủ đi để lấy sức. Khi nào tàu Trung Quốc xuất hiện chúng tôi sẽ hú còi báo động - một cán bộ Kiểm ngư bảo như thế.
Trong lúc mọi người cố dỗ giấc ngủ, phóng viên Ánh Tuyết một mình mở Laptop ra dán mắt vào những bản tin mới nhất trong ngày nhưng chỉ được một lát là tắt máy vì sóng gió quá dữ dội. Vừa đặt lưng xuống sàn tàu chị lại nghe nhiều tiếng nôn mửa tới tấp ở phòng kế bên khiến chị cũng ôm bụng ói ra lênh láng.
Ngay lúc đó, một cán bộ Kiểm ngư tên Tùng lại xuất hiện, anh ấy ân cần lấy khăn cho chị lau mặt và khuyên chị nên nằm nghỉ lấy sức để chuẩn bị tác nghiệp, sắp đụng đầu với tàu hải cảnh Trung Quốc rồi!
* * *
Mặt trời đã nhô lên một màu đỏ ối. Từng đợt sóng ồ ạt thay phiên đập vào mạn tàu tung tóe nước nhưng con tàu vẫn uy nghi và hùng dũng lướt tới.
- Mời anh em ăn sáng!
Mặc dù các anh trên tàu đã hai ba lần mời nhưng hầu hết anh em phóng viên đều say sóng không ngồi dậy nổi, chỉ có Ánh Tuyết là gượng đứng lên, cố tươi tỉnh để chứng tỏ mình đang sẵn sàng.
Tàu đang tiến về phía mặt trời mọc, một anh cán bộ Kiểm ngư lên tiếng:
- Chỉ còn khoảng 10 hải lý nữa là chúng ta sẽ đối đầu với các tàu cá, tàu chiến, tàu hải cảnh của Trung Quốc lượn lờ như một bầy thủy quái trên Biển Đông. Anh em hãy chuẩn bị đồ nghề nghe!
Mặc dù đang nằm bẹp nhưng nghe nói tới tàu Trung Quốc là mọi người như bừng tỉnh, lồm cồm ngồi dậy, tay xách đồ nghề, sẵn sàng tác chiến.
Trong lúc mọi người đang có tâm trạng háo hức, bồn chồn, chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra thì anh Tùng, một người lính kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió đã tỏ ra thân thiện với nhà báo Ánh Tuyết.
- Em khỏe chưa? Có nhớ nhà, nhớ mẹ không?
- Nhớ chứ! Còn anh thì sao? Có nhớ vợ không?
- Trời! Vợ đâu mà nhớ. Người yêu còn chưa có… - Còn em thì sao? Có người yêu chưa?
- Cũng như anh.
- Thôi, em hãy chuẩn bị. Sắp đến lúc bấm máy rồi đó. Em nên chú ý khi nào tàu Trung Quốc xuất hiện chúng sẽ áp sát và xịt vòi rồng dữ dội, lúc đó em hãy cẩn thận và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng. Không nên liều lĩnh, nguy hiểm lắm đó!
- Cám ơn anh. Tối nay mình sẽ gặp nhau anh nhé!
* * *
Một số bạn bè đã móc điện thoại ra báo tin về gia đình và tòa soạn nhưng điện thoại nào cũng mất sóng. Mấy ngày qua, người dân trong bờ chỉ nghe nói lực lượng Kiểm ngư và ngư dân vất vả. Giờ đây, anh em báo chí mới tận mắt chứng kiến cảnh gian truân của những người bám biển như thế nào.
Lần đầu tiên ra khơi nhìn thấy cái giàn khoan HD - 981 đỏ rực nằm chình ình trên vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Ánh Tuyết cảm thấy đau nhói, lòng trào dâng uất nghẹn. Tất cả những hình ảnh đó đã thôi thúc chị và các đồng nghiệp vượt lên gian nguy để kịp thời truyền thông tin về đất liền.
Càng tới gần giàn khoan, nơi sóng cồn bão nổi, cõi thiêng mà tổ tiên ta đã bao đời gìn giữ, nay đã bị bọn bá quyền mưu toan chiếm đoạt, ai nấy đều căm phẫn. Sóng biển Hoàng Sa cứ cuồn cuộn làm cho anh em phóng viên mệt nhoài. Vậy mà vừa nghe khẩu lệnh của thuyền trưởng, tất cả đều đồng loạt đứng lên như cái máy lao ra vị trí của mình, hăng hái, quyết liệt không một phút nản lòng. Có người vừa ói vừa bấm máy nhưng vẫn bám trụ. Mọi người ai cũng muốn ghi lại những bức ảnh sống động và những thước phim đáng giá trong tình thế cực kỳ nguy hiểm để tường thuật trực tiếp từ tàu Kiểm ngư.
Các tàu hộ tống của Trung Quốc đã quấy động suốt ngày đêm khiến cho mặt biển Hoàng Sa không một giờ nào bình lặng. Họ cố tình xịt vòi rồng vào cabin và hệ thống anten của tàu chúng ta nhằm cắt đứt nguồn thông tin liên lạc của anh em phóng viên. Giữa tình thế cấp bách, Ánh Tuyết bị trợt chân té nằm sóng soải trên sàn tàu. Ngay lúc đó, Tùng và một số kiểm ngư viên đã kịp thời có mặt, hỗ trợ, chăm sóc, tạo điều kiện cho Ánh Tuyết tiếp tục làm nhiệm vụ.
Tùng tâm sự với Ánh Tuyết: mặc dù biển có lúc hiền lúc dữ nhưng anh em ở đây lúc nào cũng coi tàu là nhà, biển là quê hương, là hơi thở của chính mình. Bản thân anh rất nhớ mẹ và em gái của mình. Không những nhớ mà còn thèm, thèm rau xanh và trái cây tươi, thèm một chai bia và ly cà phê cùng bạn bè ngồi dưới gốc xoài hoặc gốc nhãn nơi đất liền. Thế nhưng mỗi lần vô bờ vài hôm là lại nhớ biển, nhớ đồng đội. Hình như có một điều gì đó rất thiêng liêng khó nói nên lời. Cũng chính vì vậy mà cho tới nay, tuy đã vượt tuổi 30 mà anh vẫn chưa có mảnh tình vắt vai.
Nói chưa dứt lời, Tùng cười hồn nhiên…
- Anh cũng miệng lưỡi khá đấy! Hồi đó anh học ngành nào mà tán gái chuyên nghiệp quá vậy?
- Anh mà giỏi à!. Sao bằng nhà báo! Anh học khoa Ngữ văn nhưng vào bộ đội lại mê lính thủy.
- Hèn gì. Anh có thể cho biết lý do tại sao anh không lấy vợ?
- Dễ hiểu thôi. Anh suốt ngày bám biển. Chẳng lẽ cưới vợ rồi bỏ vợ ở nhà với mẹ.
- Em nghĩ nay mai Trung Quốc nhất định phải rút giàn khoan, tình thế bớt căng thẳng, anh đâu cần phải ứng chiến 100% ngoài Hoàng Sa như bây giờ.
- Anh cũng hy vọng như thế. - Mà anh hỏi thật em nhe! Nếu em lấy một người chồng hải quân, quanh năm suốt tháng xa nhà, em có đồng ý không?
* * *
Trước khi chia tay, hai người lưu luyến bồi hồi. Tùng cởi chiếc đồng hồ đeo tay tặng cho Ánh Tuyết để kỷ niệm một chuyến ra khơi đầy thú vị. Ánh Tuyết cũng cởi chiếc áo ấm của mình choàng lên vai Tùng. Tùng cảm động không nói thành lời.
Về tới đất liền, cảng biển trở nên ồn ào sôi động, nhưng Ánh Tuyết vẫn đăm đăm nhìn về hướng Hoàng Sa, lắng nghe thanh âm từ biển dội về, bất giác chị nhớ Tùng day dứt, nhớ đến giọng nói tiếng cười. Càng nhớ Tùng chị càng nhớ những hình ảnh cảm động của ngư dân và cán bộ kiểm ngư đã nấu cháo, nấu nước và lo thuốc men cho từng anh em phóng viên.
Về tới tòa soạn Ánh Tuyết luôn nhắc đến Tùng, ngoài biển khơi Tùng cũng không quên nhà báo trẻ Ánh Tuyết, một cô gái vừa duyên dáng mặn mà vừa có cá tính. Hai người như có thần giao cách cảm, hễ người này nhớ là người kia điện thoại nhắn tin cùng chia sẻ và động viên cho nhau.
Trước mắt hai người bây giờ là niềm tin, tương lai và hạnh phúc. Biển đảo đã mang đến cho họ một tình yêu trong sáng, tuyệt vời.
Truyện ngắn của Hoài Phương