Không như người ta, ông Sơn mừng ra mặt khi Hoài đi lấy chồng. Điều này khiến Hoài hơi bực. Thứ nhất, cô không thuộc diện gái ế, nhan sắc thuộc loại khá. Thứ hai, Hoài có công ăn việc làm ổn định, không mang tai tiếng gì. Một cô con gái như vậy hẳn người ta phải tiếc nuối lắm khi gả bán, ấy thế mà bố cô lại mừng như mở hội. Ông cười nói liên hồi như kiểu tống khứ được một của nợ.
“Bố vui nhỉ? Chả ai gả con gái đi lại hạnh phúc như bố”, sau hôn lễ, tiễn ông Sơn về, Hoài dỗi. Cả ông Sơn lẫn Hải - “Con dê của cụ” đều cười tủm tỉm. “Bố vui là đúng, con lấy được người chồng tốt thế này, yên tâm lắm chứ”. Nhìn bố vợ và con rể hỉ hả với nhau, Hoài càng thấy bực mình.
*
* *
Mẹ Hải là người phụ nữ hiền thục, giỏi giang. Nhà không có đàn ông, một tay bà nuôi nấng, gây dựng cho con trai. Không như người khác, hay để ý bắt chẹt, xét nét dâu con, bà Phương rất thoải mái, dễ tính. Về làm dâu hơn tuần, chưa bao giờ Hoài phải tất bật lo cơm nước hoặc giao tế nhà chồng. Bao giờ bà Phương cũng chu đáo chuẩn bị trước. Hoài có sai sót gì, bà không phàn nàn nửa lời. Nhưng chính điều này lại càng khiến Hoài lo ngại. Biết đâu mẹ chồng cô đang ngấm ngầm soát lỗi, chờ thời cơ để tổng công kích cô con dâu trẻ người non dạ.
Sau ngày cưới, Hoài vẫn năng về chơi nhà mẹ đẻ như thường. Mấy bà sát rào ngạc nhiên: “Mẹ chồng con có ý kiến gì không?”, bà là người có ăn học, chắc hiểu sự đời”, “Thời đại này làm gì có chuyện mẹ chồng hành hạ con dâu như ngày xưa”. Một số người ác miệng, thì thụt sau lưng: “Chắc đời sống vợ chồng không được êm thuận, thấy con Hoài về nhà mẹ đẻ suốt”, “Chắc mẹ chồng con dâu không muốn nhìn mặt nhau rồi”.
Chỉ có ông Sơn, bà Thuận - bố mẹ Hoài là vẫn vô tư. Cả hai ông bà không hề thăm nom nửa lời về chuyện mẹ chồng nàng dâu của Hoài. Lắm lúc, cô còn cảm thấy bố mẹ còn không quan tâm chăm sóc mình bằng mẹ chồng. Hai ông bà cứ oang oang khen con gái từ ngày lấy chồng béo tốt, xinh đẹp hẳn ra. Rõ là vô duyên. Hải cũng có vẻ hợp với bố mẹ vợ. Thành ra, mẹ chồng lại là người thân thiết nhất với cô.
Biết là chuyện tế nhị, Hoài không bao giờ hỏi Hải về chuyện bố đẻ của anh. Nhưng cô vẫn thắc mắc tại sao trong ngày trọng đại nhất của con trai, ông lại không có mặt. Hoặc bà Phương quá tàn nhẫn với bố của anh, hoặc ông không còn trên thế giới này, hoặc vì một lý do nào đấy mà những người trẻ như Hải, như Hoài không thể biết.
*
* *
Mỗi buổi sáng ngủ dậy, Hoài thường thích ngắm mình trong gương. Thói quen này đã có từ rất lâu, từ ngày cô còn là thiếu nữ. Trong phòng Hoài bao giờ cũng có một tấm gương lớn. “Nhìn từ đằng sau em rất giống một người”, một buổi sáng, trong lúc đang ngắm nghía, Hoài giật mình vì Hải đã dậy từ lúc nào và nhận xét. “Giống người yêu cũ của anh chắc. Mô- típ này cũ mèm”. Hải cười lớn “Rất tiếc là không phải, em yêu ạ”. “Thế thì sao?”, Hoài bướng bỉnh khiêu khích. “Nếu anh nói ra hẳn em sẽ phải giật mình. Nhưng anh không nói đâu. Sự bí ẩn luôn tạo ra sức hút”, anh chồng trẻ trêu vợ. Hoài vội gắp lấy chiếc ví của chồng đặt ở đầu giường “Vậy để em xuống bảo mẹ không phải làm đồ ăn sáng cho anh nhé”. Thế là hai vợ chồng đuổi bắt nhau khắp nhà như trẻ con.
Từ khi Hải lấy vợ, bà Phương giao việc quản lý xưởng cho anh. Bà chỉ quanh quẩn ở nhà lo nội trợ. Một chuyện Hoài kể cho các chị dạy cùng trường nhưng không ai tin là mẹ chồng cô còn giặt tay cả quần áo của con dâu. “Chắc bà thích mấy chiếc áo mới hồi môn của mẹ đẻ mua cho em”, một chị trêu. “Em nghĩ là mẹ chồng chị đang dò ý con dâu”, một bạn khác phát biểu. “Mấy cô cứ hay suy diễn lung tung. Mẹ tôi còn giặt cả quần áo cho mẹ vợ đến chơi kia kìa”, anh chủ tịch công đoàn đi qua, góp chuyện. Mấy chị em cười rũ ra.
*
* *
Những ngày nghỉ, Hoài thích làm vườn cùng mẹ chồng. Bà trồng rất nhiều loại rau trong vườn, chiều nào cũng tưới tắm chu đáo. Mỗi lần Hoài về nhà ngoại, thể nào bà Phương cũng gửi cho bố mẹ cô một giỏ rau lớn các loại. “Rau con tự tay trồng đấy”, Hoài thường tự hào khoe khi trao chúng cho mẹ. “Quý hóa quá. Giờ con lại còn biết trồng rau cơ đấy”. Hải thì cười rú lên: “Em ơi đừng tự dối lòng mình”.
Một hôm, bà Phương đang bắc ống nước để tưới cây thì Hoài đi dạy về. Tiếng nước chảy mạnh liên tưởng tới sự mát mẻ của buổi chiều hè làm cô thích thú. Hoài thay bộ váy mặc ở nhà, chạy ngay ra vườn. Đúng lúc vòi nước chĩa về phía cô. Thế là Hoài ướt như chuột lột. Phút chốc, cả bà Phương và Hoài đều cười giòn thích thú. Khi hai mẹ con tắm cùng nhau, Hoài nhận ra mẹ chồng rất giống một ai đó mà cô quen biết từ rất lâu. Nhanh chóng soát lại những cái tên ở trong đầu, nhưng Hoài tìm không ra. Mái tóc bà Phương vẫn rất đẹp, mướt dài và rất ít sợi bạc. Chẳng bù cho bà Thuận - mẹ đẻ Hoài, tóc khô và rất cằn.
*
* *
Hoài không nghĩ là mẹ chồng lại nhớ sinh nhật mình. Bà còn là người tự tay tổ chức và mời bố mẹ cô. Trong lịch sử cuộc đời Hoài, đây là lần đầu tiên cô có một sinh nhật đúng nghĩa và lạ lùng. Suốt buổi tối, nhìn mẹ chồng tất bật, Hoài rất xúc động. Hải đi công tác xa vẫn mua hoa và quà gửi về cho vợ. Bố mẹ đẻ cô ngồi cạnh nhau, cứ như định nói điều gì lại thôi. Thành ra họ cứ nhắc Hoài mau có em bé để vui lòng mẹ chồng, cứ như người xa lạ. Nhắc Hoài cứ nghỉ ngơi, bà tiễn bố mẹ cô ra tận cổng. Ba người đứng lại nói chuyện khá lâu. Mẹ đẻ Hoài còn ôm mẹ chồng cô. Đứng trên tầng nhìn xuống, Hoài lặng đi vì nhận ra bà Phương giống ai. Đôi khi người ta thật ngớ ngẩn, những điều ngay cạnh mình không để tâm sẽ xao nhãng lúc nào.
Tối hôm ấy, ôm mẹ chồng ngủ, Hoài thì thầm “Ngày xưa, con nhất quyết không chịu đăng ký thi trường sư phạm. Mẹ con rất bực, bảo: “Tao không có đứa con gái như mày”. “Khi Hải không chịu thi đại học. Mẹ còn nói điều tệ hại hơn”, bà Phương dừng lại một chút như để nén sự xúc động: “Mẹ đã nói rằng nó không phải con đẻ của mẹ, chỉ là đứa trẻ mồ côi mẹ nhận nuôi, nhưng mẹ coi không khác gì ruột thịt, còn đứa con dứt ruột đẻ ra, mẹ cho người ta, không làm tròn bổn phận”. “Tại sao mẹ lại cho đi”, Hoài úp mặt vào tường. “Ngày ấy mẹ lầm lỡ, không một đồng xu dính túi. Một đôi vợ chồng hiếm muộn... mẹ đã suy nghĩ rất nhiều khi trao đứa con cho họ. Sau này, khi kinh tế khá hơn, mẹ lại không nỡ đòi lại. Nhưng trời phật phù hộ, mẹ thật may mắn...”, bà Phương bỏ ngang câu nói. Hoài quay mặt lại, đôi mắt đẫm nước “Mẹ! Mới vừa lúc nãy thôi, con thấy con rất giống một người. Liệu người ấy có phải là người sinh ra con không?”.
Bà Phương và Hoài chụm đầu vào nhau. Không ai trả lời và cần thiết câu trả lời nữa. Ngoài vườn, cây lá lao xao trong gió như xa cách bao ngày bỗng rộn lên nỗi mừng ngày hội ngộ.
Mộc Anh