(Tặng bộ đội Công binh giải cứu thành công 12 công nhân bị sập hầm mỏ Đạ Dâng - Đạ Chomo)
Tiếng đào bới liên tục trong cơn mưa tháng 12 nước trút ào ào. Những đôi mắt mất ngủ, lo lắng của những người lính Công binh quầng thâm. Những cơn gió lạnh thi thoảng cứ ùa nhau tràn vào con đường hầm mới đào sình đất nhầy nhụa, sền sệt. Lạnh vậy mà ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Phía ngoài hầm đèn đuốc sáng choang soi rõ những chiếc lều dã chiến được căng dầy đặc. Tiếng máy nổ ầm ầm. Lực lượng y tế đã trong tư thế sẵn sàng. Các chiếc xe cứu thương chuẩn bị xuất phát. Hàng ngàn người bồn chồn nhốn nháo suốt đêm căng mắt vào con đường hầm để chờ đợi trong sự âu lo tuyệt vọng. Mà không lo sao được. 12 sinh mạng con người đang bị vùi lấp trong hang sâu đã mấy ngày trời. Liệu họ còn sống hay đã chết?
- Cố lên các đồng chí ơi. Bằng mọi cách phải cứu họ cho bằng được. Nếu không chúng ta sẽ ân hận suốt đời và sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếng đại úy Quang, đại đội trưởng Công binh đanh gọn, quyết đoán.
- Rõ rồi. Nhưng đào kiểu này tuy nhanh nhưng khá nguy hiểm. Lỡ hang có sập xuống thì chết cả đám. Tiếng Trung sỹ Hoàng lo lắng.
- Không còn con đường nào khác nhanh hơn đâu. Họ đã kẹt trong đó hơn 3 ngày rồi, sức khỏe rất yếu. Mình mở đường vòng chắc không kịp. Quang trả lời.
Nói để mà nói vậy thôi chớ đại đội công binh này ai mà không biết tính nết của người đại đội trưởng “rô bốt” này. Hễ hô là làm. Hễ có chuyện gấp là “chã” đi liền. Tính nóng như Trương Phi. Nhớ có lần vợ “chã ” dưới quê nghe nói đâu miệt Cái Bè, Cai Lậy gì đó dẫn thằng con tới đơn vị thăm bởi cả năm trời “chã” có về quê đâu. Đám giỗ nội, ngoại dưới quê cũng bặt tăm. Đám cưới, đám hỏi bà con dòng họ cũng biến mất. Vậy mà mới gặp nhau có 15 phút nghe lệnh trên thông báo phát hiện một quả mìn của Mỹ sót lại trên cánh đồng của dân khi chuẩn bị cất nhà, “chã” bỏ vợ con rồi đi mất dạng. Tới chiều khi xong nhiệm vụ trở về thì vợ con giận lẫy bỏ về quê mất biệt. Đêm đó “chã” đi tới đi lui coi bộ buồn đời lắm vì gọi điện thoại về quê thì chỉ nghe mấy câu quen thuộc của tổng đài “ …thuê bao của quý khách hiện không liên lạc được, xin vui lòng gọi lại sau…”.
Riêng Nam, đại đội phó thì hiểu bạn nhiều hơn bởi hai đứa cùng quê, cùng nhập ngũ và gia nhập lính Công binh một lượt. Ba Quang vốn là lính Đặc công sau chuyển sang bộ đội Công binh và hy sinh trong một trận công đồn ở Ban Mê Thuột lúc Quang lên hai tuổi. Chết mà có lấy xác được đâu bởi thi thể không nguyên vẹn khi ông ôm bộc phá xông vào lô cốt địch và cho nổ tung để dập tắt khẩu súng đại liên sáu nòng của địch bắn ra liên tục trong lỗ châu mai. Sau này mẹ Quang hốt mấy chén đất chỗ ông hy sinh rồi bỏ vào chiếc quách nhỏ đem về quê chôn cất. Thằng Quang lớn lên tiếp tục đi theo đời binh nghiệp ba nó - lính Công binh.
Nhớ tới vụ nó có vợ mà Nam cứ thở dài. Ông nhạc gia của nó cứ khăng khăng biểu nó chuyển ngành hay làm chuyện khác chớ làm lính Công binh thì ông nhất định không gả. Ông nói: Làm cái nghề Công binh này nguy hiểm vô cùng, sanh nghề rồi sẽ tử nghiệp. Trên đời này có ai dám giỡn mặt tử thần, cứ rà qua, rà lại mấy cái bãi mìn của Mỹ - Ngụy để lại, rồi đi trục vớt mấy trái đạn, mấy quả bom bự chà bá. Lỡ nó nổ một cái thì hổng biết đâu mà tìm xương cốt. Hổng khéo con gái ông thành vợ liệt sỹ ngang hông. May mà nhờ mấy chú ở ủy ban xã xuống thuyết phục mấy tháng trời ông mới đồng ý mà cái mặt buồn thỉu, buồn thiu. Lo thì nói vậy chớ ông cũng từng là cơ sở nuôi giấu cách mạng hồi mấy năm chống Tây, đánh Mỹ. Ông thương bộ đội lắm chứ. Nếu không có mấy “ông” Công binh thì sẽ có bao nhiêu người chết oan vì bom mìn còn sót lại. Biết đâu trong số đó có mình, con cháu bà con dòng họ của mình. Vậy là xuôi chèo mát mái. Đám cưới ngon ơ. Ông còn chịu chơi bằng cái chuyện không nhận quần áo, vòng vàng, tiền cưới của đàng trai với lời tuyên bố: Miễn tất tần tật. Xấp nhỏ thương nhau là quý rồi. Hứng chí ông còn ca liền tù tì mấy bài tân nhạc ngọt sớt như “ Tiểu đoàn 307”; “ Tiếng đàn Ta lư”; “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”… khiến quan khách hai họ cười nghiêng ngửa trong tiếng vỗ tay ầm ầm.
Còn Nam đã hơn 40 tuổi rồi chớ có ít ỏi gì đâu mà cứ vẫn là lính “phòng không”. Nói cho có đầu có đuôi Nam cũng có cô bồ là giáo viên ở trường Đại học Sư phạm. Ban đầu họ yêu nhau thắm thiết lắm với biết bao lời thề non hẹn biển thiệt mùi mẫn nhưng khổng hiểu sao nghe lời bàn tán của gia đình và bè bạn, người yêu của Nam biến mất sau khi khuyên anh chuyển ngành khác nhưng bất thành. Buồn. Giận. Tủi thân. Đó là cái cảm giác ban đầu khi anh mất người yêu. Thật oan ức và bất công cho những người lính Công binh như Nam. Rồi nhiệm vụ cứ dồn dập cuốn theo khiến nỗi buồn trong anh mau chóng nguôi ngoai.
- Mấy đồng chí kiểm tra lại đường tiếp tế nước uống, sữa dinh dưỡng vào hang xem có còn đảm bảo không? Tiếng Quang lại vang lên trong đường hầm. Từ vách hầm tiếng vọng lại cứ làm đi nhấp nhô như sóng biển và nhỏ dần.
- Báo cáo anh. Vẫn tốt.
- Thế à? Nhiều hy vọng lắm đây. Quang hồ hởi.
- Điện thoại di động có còn liên lạc được với họ không? Nam hỏi.
- Vẫn được nhưng khó nghe lắm. Có lẽ họ quá kiệt sức rồi.
- Cố gắng cho tôi nói chuyện với họ một chút. Quang ra lệnh.
Trong tiếng đào huỳnh huỵch, những bao đất được khẩn trương chuyển ra khỏi hầm. Ánh sáng từ những chiếc đèn pha rọi liên tục vào đường hầm lầy lụa. Mưa vẫn tuôn nước xuống xối xả từ trên nóc hầm chảy ào ào. Những chiếc xô múc nước làm việc liên tục không phút nào ngưng.
- Chị Ngoan phải hôn? Chị có nghe rõ tiếng tôi nói qua điện thoại không? Tôi là Quang bộ đội Công binh đang đào hầm để cứu các anh chị đây. Quang hét thật to.
- Tôi nghe được. Anh em vẫn còn sống đủ cả nhưng sức khỏe yếu lắm. Chúng tôi tin là mấy anh sẽ tìm thấy chúng tôi. Tôi nghe rất rõ tiếng đào hầm ngày càng gần rồi. Cố lên mấy anh ơi. Tiếng Ngoan yếu ớt nhỏ dần.
Những giọt nước mắt đã lăn trên các khuôn mặt khắc khổ vì nắng gió gian lao của những người lính Công binh. Họ, những người đã và đang đấu tranh giành giật sự sống từng phút từng giây cho 12 con người đang bị vùi dưới hang sâu như câu chuyện cổ tích Thạch Sanh cứu công chúa ra khỏi thạch động đầy nguy hiểm thâm u. Họ không có phép màu, sức mạnh như Thạch Sanh nhưng họ có trái tim nhân hậu, bằng sự nỗ lực và quyết tâm rất lính, tạo nên ngọn lửa cháy rừng rực trong đêm vắng.
- Nhanh tay hơn nữa các đồng chí ơi. Mình sắp tìm được họ rồi. Tôi nghe tiếng họ đang rất gần với chúng ta. Tiếng Nam phấn chấn thúc giục.
Tiếng đào đất tăng nhanh tiến độ. Những cánh tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn hoạt động. Những đôi mắt bắt đầu sáng lên niềm hy vọng trong đêm lạnh thâm thâm.
Một mảng đất đổ sập xuống. Cả đại đội hò reo bất tận. Những cánh tay yếu ót cầu cứu đã xuất hiện sau những nhát đào chậm dần. Đây rồi. 12 con người vẫn còn sống như một chuyện liêu trai huyền hoặc. Họ đã sống bằng niềm tin rất lạ, rất phi thường. Trong đôi mắt mọi người đều ánh lên niềm hạnh phúc lớn lao vì đã được sống lại từ cõi chết. Và những sứ giả đã mang họ về với cuộc sống chính là những người lính Công binh thầm lặng.
Ngoan ôm chầm lấy Quang, Nam nước mắt lưng tròng.
- Cám ơn… Cám ơn các anh đã cứu sống chúng tôi. Tôi…tôi….. Nói đến đó chị khóc nghẹn ngào vì xúc động không nói nên lời.
- Không. Không có gì để cám ơn chúng tôi, nhiệm vụ của lính Công binh là vậy thôi, Quang cười, xúc động.
Việc chuyển nạn nhân về bệnh viện tiến hành thật khẩn trương trong cơn mưa tầm tã. Dù lực lượng công an, quân sự được bố trí dầy đặc tránh tình trạng mất an ninh gây chậm trễ cho việc chuyển thương nhưng dòng người cứ ào ào tiến vào hiện trường. Cũng dễ hiểu. Họ đang quá lo lắng cho tính mệnh người thân của mình. Còi hụ từ những chuyến xe cứu thương vang lên liên tục trong đêm. Những chuyến xe hối hả băng băng trong đêm rời khỏi hầm mỏ. Xe bộ đội, công an nhanh chóng mở đường ào ạt. Tiếng cười rạng rỡ hòa lẫn tiếng khóc vì hạnh phúc đến thật bất ngờ với những gia đình các nạn nhân.
Mưa đã tạnh dần. Quang đến bên tảng đá cạnh hầm ngồi tư lự, chiêm nghiệm lại quá trình chỉ huy mở đường hầm trong nỗi suy nghĩ ngổn ngang, buồn vui lẫn lộn. Vui vì mình vừa làm tròn nhiện vụ của một con người rất đỗi bình thường, một người lính Công binh. Buồn và lo lắng liệu còn bao nhiêu trường hợp khác có thể xảy ra trên đất nước này.
- Ba ơi. Tiếng đứa trẻ gọi rất to và chạy rất nhanh về phía Quang.
Quá bất ngờ khi thấy thằng An có mặt tại đây, trong giờ phút này. Anh đứng sững rất lâu rồi lao về phía thằng An.
- Sao con lại ở đây?. Rồi mẹ đâu?
- Mẹ đi phía sau kìa. Hôm qua coi vô tuyến, mẹ thấy ba với mấy chú vất vả làm đường vô cứu công nhân mắc “kẹt”, mẹ khóc quá chừng rồi biểu con chuẩn bị quần áo lên đây thăm và động viên ba đó. Mẹ tới rồi kìa.
Quang bỏ tay con chạy băng băng xuống đồi tiến về phía Thúy, vợ anh. Từ phía dưới Thúy cũng cố sức chạy lên với nụ cười thật rạng rỡ như một lời xin lỗi muộn màng vì thời gian qua cứ trách cứ chồng hờ hững với gia đình.
- Em… Em. Thúy ấp úng.
- Thôi khỏi nói anh cũng biết rồi vợ ơi. Tại …bị…vì….là…mà chớ gì. Chuyện nhỏ. Lính Công binh là vậy thôi. Quang lại cười. Nụ cười rất lính Công binh.
Cả đại đội vỗ tay rần rần làm Quang lẫn Thúy đỏ mặt tía tai. Thằng An nắm tay ba mẹ nó cười nói luyên thuyên coi bộ hả hê sung sướng lắm. Còn Thúy chưa bao giờ cô lại cảm thấy yêu chồng như hôm nay, một người lính Công binh kiên cường, mê việc hơn mê vợ, luôn thủy chung, ít nói, hay cười, sẵn sàng xả thân vì cuộc sống mọi người.
Phương Anh