Nợ duyên cùng sông nước

Ngồi trên chiếc ghe bảy lá cũ mèm đang tròng trành trên sóng nước mỗi khi có chiếc ghe lớn chạy qua, Tân hít liền một lúc ba hơi làm điếu thuốc rẽ tiền cháy đỏ rừng rực ánh lên những tia sáng hồng hồng trên khuôn mặt khắc khổ đầy nếp nhăn, đen thui đen thích vì suốt ngày lặn hụp trên sông nước. Đã vậy cái xứ Ngã Bảy nầy rất rành cái thằng cha “cà thọt ba không”: không mặc áo, không mang dép và không đội nón.

Có lần mấy thằng bạn anh thắc mắc nói chơi về chuyện này:

- Ê. Cha có bị tửng tửng hôn mà làm ăn “trớt quớt bờ lề” vậy? Nắng thấy ông bà ông dãi mà cha cà lơ phất phơ hoài vậy. Có ngày ông bị Hà Bá lôi xuống dưới uống trà đàm đạo đó nghe. Tiếng anh Ba “mỏ lết” trêu chọc.

- Ờ, phải đa. Cha ở trần cùi cụi riết da cha bóng ngời lên nước. Cha nầy trời có “oánh” chắc phải kiếm năm ba cái đèn pha rọi tới rọi lui mới thấy chả mà “oánh” cho trúng. Chú Tư “hủ tiếu gỏ” xen vô.

- Thôi mấy ông cố nội ơi để cho tui sống với. Chuyện của tui, tui biết, mấy cha bàn tới bàn lui làm chi cho lu bu. Nè vô trăm phần trăm ly rượu nầy đi rồi nghe tui ca bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” cho nghe. Bảo đảm Út Trà Ôn nếu còn sống mà nghe tui ca ổng cũng bái tui làm đại ca vọng cổ - Tiếng Tân trả lời sang sảng trên khoảng sông rộng của bảy nhánh sông giao nhau nước chảy êm đềm. Những ly rượu trắng chạm nhau phát ra những âm thanh lốp cốp vui tai. Những khuôn mặt đỏ phừng phừng vì men rượu ngấm trong ánh nắng ban chiều. Tằng hắng vài cái, Tân bắt đầu ca “…ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái thân thương chẳng thấy ra chào…”; “…Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu. Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…”. Cứ sau mỗi câu hát, chú ba “mỏ lết” lại gõ “song loan” dã chiến xuống sàn ghe rất sành điệu bằng cái muỗng nhôm nghe cái cốc thiệt là vui.

Tiệc rượu tan. Giờ chỉ còn một mình Tân đang lặng lẽ ngồi sau lái chiếc ghe của mình đăm đăm nhìn vào khoảng không gian trống rỗng, trống rỗng và đau xót như chính cuộc đời anh. Nhiều lúc anh chửi đông đổng cho đỡ tức tối chớ thật ra Tân cũng không biết mình đang chửi ai. Mà chửi để làm gì? Được gì? Ông trời đã lấy đi sự sống của cái chân phải của anh sau một cơn sốt bại liệt lúc anh vừa lên năm tuổi. Ở cái xứ miền Trung đầy nghèo khó và nắng gió, xóm anh, lũ trẻ cỡ tuổi anh đều gọi Tân với cái tên “ Tân thọt”.

Minh họa: Trần Thắng



Gia đình anh xem anh là cái gai trong mắt, là nỗi sỉ nhục của gia đình bởi không có căn tu hay kiếp trước làm gì thất đức nên ngày này mới có thằng con tật nguyền như vậy. Riết rồi cũng quen dần. Lạ ở chỗ tật nguyền teo tóp như vậy nhưng anh lại có năng khiếu bơi lội rất giỏi khiến bạn bè nể phục. Nhiều người trầm trồ khen ngợi thằng đó có tật nhưng có tài. Nhưng lớn lên anh bắt đầu mặc cảm với dị tật của mình. Tân bỏ học rồi sống khép kín ở nhà. Đêm đêm, anh thơ thẩn ra cạnh bờ sông Cái cạnh nhà ngồi khóc. Có khi trốn nhà lên ngọn đồi để nhìn trời, nhìn mây, nói, khóc một mình cho vơi đi nỗi tủi hờn.

Năm mười hai tuổi, Tân men ra sân ga xe lửa rồi lén trèo lên toa hàng hóa. Xe lửa chạy rất xa thì người bảo vệ mới phát hiện ra thằng nhóc con đang thập thò trong khoang.

- Ê. Ông trời con. Ông lên đây hồi nào vậy? Tới ga trước. Tao tống cổ mầy xuống đó nghe. Hứ.

- Chú cho vô Sài Gòn với. Nhà con nghèo. Con lại có tật. Tụi bạn con nó chọc ghẹo hoài. Con tính vô trong đó kiếm chuyện làm nuôi ba mẹ ở quê. Chú đừng đuổi con xuống nghe chú. Tân khẩn khoản.

Đến lúc này, người bảo vệ mới nhận ra, thằng bé kia chỉ có một chân lành lặn với chiếc nạng gỗ. Mà nói cho ngay nó có hai chân nhưng chân kia đã tóp teo chỉ còn lại làn da nhăn nhúm, xanh dờn.

- Trời đất. Mầy “xi cà que” như vầy rồi làm sao làm thuê làm mướn cho người ta được.

- Con sẽ năn nỉ, lạy lục người ta. Người ta kêu gì con làm nấy. Trả công bi nhiêu cũng được. Chắc họ chịu mà.

Đôi mắt người bảo vệ cay xè. Thằng nhỏ nầy trạc tuổi con chú mà sao nó khổ quá trời, quá đất. Phải cố giúp nó tìm việc làm lương thiện chớ vô Sài Gòn mà cô thân độc mã như vậy dễ hư hỏng cuộc đời lắm.

- Thôi được rồi. Mầy cứ theo tao vô trong toa hành khách. Tao sẽ nói lại với “sếp”. Mà mầy ăn gì chưa?

- Dạ…dạ….

- Dạ cái con khỉ khô. Chưa thì nói chưa. Đói mà cà lăm hoài có ngày “đay cô xin” đó con. Chú cười hề hề rồi đưa cho Tân một ổ bánh mì thịt to tướng. Tân ăn ngấu nghiến vì đói. Chưa bao giờ Tân lại thấy bánh mì ngon như hôm nay và Tân cũng chưa bao giờ được ai cư xử tốt như người bảo vệ nầy. Càng nghĩ tới nước mắt anh càng rơi nhòe nhoẹt không làm sao kiềm chế được.

Tân làm con nuôi chú Sáu từ lúc ấy. Mới đó đã mười năm. Mỗi ngày anh chỉ làm công việc là lựa trái cây cho mấy cái vựa gần nhà chú Sáu. Nhờ tính siêng năng, thật thà nên bạn hàng ở đây ai nấy đều thương. Có lần một chủ ghe bán trái cây miệt Ngã bảy chở cam lên Sài gòn để bán, lúc xuống ghe trở về họ đánh rơi cái giỏ đệm đựng tiền xuống cái cần xé đựng cam nằm khuất sau hàng đống trái cây. Đang loay hoay sắp xếp lại các cần xé cho gọn ghẽ, anh đã nhìn thấy chiếc giỏ tiền ấy. Nhìn quanh quất không còn bóng người, Tân nhanh chóng cầm lấy chiếc giỏ và chạy như bay về nơi mình ở. Trút chiếc giỏ ấy ra Tân hoa mắt vì số tiền khá lớn, trong đó có cả đôi bông và sợi dây chuyền khá xinh xắn. Trả lại ư ? Không.

Mình đã quá bất hạnh nghèo túng. Số tiền này sẽ bắt đầu cho một cuộc đổi đời đây. Mình đâu có ăn cắp. Tự họ đánh rơi mà. Anh sẽ về quê để làm ăn, để cưới vợ, để gia đình nở mặt nở mày, không còn cái nhìn khó chịu, miệt khinh… Nhưng rồi nghĩ đến khuôn mặt của đôi vợ chồng đánh rơi giỏ tiền ấy, anh lại chạnh lòng. Đây có lẽ là tài sản quý báu nhất của họ. Mất nó, gia đình họ sẽ sống ra sao? Họ sẽ đau khổ đến dường nào. Tân chống nạng đến bên con rạch tanh tưởi mùi rác của Sài Gòn để suy tư, cân nhắc. Không. Mình phải sống thẳng ngay rồi có ra sao thì ra. Không được để người khác lại đau khổ như mình.

Nhận lại số tiền ấy, hai vợ chồng người bạn hàng mừng rơi nước mắt. Họ không nghĩ rằng mình có thể tìm lại số tài sản lớn lao cả đời giành dụm, trong đó có cả của hồi môn của người con gái duy nhất của mình.

- Chú thiếm mừng quá. Gặp người gian là kể như mất trắng. Thôi cháu cầm đỡ số tiền nầy coi như là quà chú thiếm biếu để cám ơn con.

- Chú thiếm đừng nói vậy. Con tuy nghèo nhưng hổng tham của rơi. Đơn giản vậy thôi. Chuyện nhỏ như con thỏ, có gì đâu mà quan trọng dữ vậy. Còn số tiền nầy con không nhận đâu.

Nói xong Tân chống chiếc nạng gỗ vội vàng bước đi trong sự ngỡ ngàng của đôi vợ chồng kia và rất nhiều người xung quanh. Tân cũng không ngờ đây lại là ngã rẽ lớn của đời mình sau việc làm cao cả ấy. Vợ chồng người bạn hàng kia mời anh xuống quê chơi cho biết nhà. Khất lần khất hồi hoài anh mới nhận lời cộng với sự động viên của các chủ vựa trái cây. Lạ. Sau lần đó, anh nhận được nhiều lá thư của người con gái - con của chủ nhà - với lời lẽ thật xúc động, cảm thông. Tân lặng người mấy đêm không ngủ. Mình yêu chăng? Thằng Tân “cà thọt” thằng “Tân què” yêu cô gái ấy rồi chăng? Không. Mình là kẻ tật nguyền. Nhà nghèo. Học dốt. Chớ mà có đèo bồng. Anh nghĩ vậy và luôn tự trấn an mình. Vậy mà chuyện tưởng như đùa mà có thật. Gia đình ấy bằng lòng để anh tiến đến hôn nhân. Anh mừng muốn khóc.

Cả xóm miền Trung quê anh xôn xao trước cái tin: thằng Tân “què” cưới vợ, mà cưới vợ đẹp, vợ ngoan, con nhà khá giả mới là chuyện lạ. Người đồn ra, kẻ nói vào về cái chuyện lạ lùng này. Ba mẹ anh đón xe lửa vào Nam với bao lo toan, mừng vui lẫn lộn. Mừng là con mình may mắn, mừng vì không phải lo tiền cưới, sính lễ, không phải rước dâu vì đàng gái đã lo tất. Lo là liệu sau nầy thằng Tân có bị gia đình vợ coi thường, bạc đãi. Rồi mọi chuyện cũng qua. Tân về quê vợ lập nghiệp đến bây giờ. Anh nhớ mồn một cái ngày cách nay đã ba mươi năm, đang loay hoay tiếp vợ mua bán trái cây thì anh nghe tiếng hô hoán từ giữa sông của một người phụ nữ :

- Cứu con tôi với bà con ơi! Con tôi té sông rồi cô bác ơi.

Không đắn đo suy nghĩ, Tân lao ra giữa sông với cái chân tật nguyền nhưng cái tâm rất quyết liệt để cứu sống một sanh linh nhỏ bé đang chơi vơi giữa dòng sông cuộn chảy. Cố gắng hết sức mình đưa được đứa bé lên ghe cũng là lúc anh ngất lịm vì đuối sức. Sau lần đó anh nói với vợ:

- Em à. Anh dự định mua chiếc ghe nhỏ. Em thấy sao?

- Mua ghe. Trời đất quỷ thần thiên địa ơi. Bộ anh khùng rồi hả? mua làm chi hay mua để “trồng hành”.

- Đâu có. Anh mua để khi ghe cộ bà con qua đây lỡ có chuyện gì bất trắc thì mình giúp họ. Tân năn nỉ.

Ban đầu vợ anh còn ngoe nguẩy bỏ đi một nước nhưng rồi chị ngẫm đi ngẫm lại thấy chồng mình nói cũng có lý. Người Nam Bộ là vậy mà. Nhân nghĩa và hào hiệp mà. Vả lại chị cũng đã từng chứng kiến bao vụ tai nạn đau lòng ngay chính nơi bảy nhánh sông Ngã Bảy gặp nhau. Vậy là ừ cái rụp. Mấy ngày sau cả thị trấn Ngã Bảy xôn xao khi thấy xuất hiện một chiếc ghe bảy lá mới “cáu xèng” kèm theo lủ khủ dụng cụ mò lặn, trục vớt hàng hóa, ghe tàu. Đó là tài sản hành nghề miễn phí của Tân “ cà thọt”. Số điện thoại để bàn, di động được anh viết rất to tướng treo trên nóc ghe của mình.

Mấy mười năm hành nghề, anh đã trục vớt thành công hàng trăm chiếc tàu ghe bị chìm, lấy lên từ đáy sông sâu khá nhiều tài sản, hàng hóa, máy móc… Đau nhất là những vụ mò lặn tìm xác người chết đuối dưới sông. Lực bất tòng tâm. Cứ mỗi lần như vậy anh buồn rười rượi bỏ cơm tới mấy ngày để xua tan nỗi buồn bất lực với thủy thần. Mấy mươi năm, Tân không nhận bất kỳ một khoản chi gọi là đền ơn, bồi dưỡng công lao khó nhọc, hiểm nguy. Có lẽ trời sanh anh ra đã gắn chặt mối nợ duyên cùng sông nước miền quê.

Tiếng điện thoại di động reo vang đưa anh về thực tại:

- Phải anh Tân “Ngã Bảy” hôn? anh cứu dùm. Ghe chở mía của tui bị sóng đánh chìm rồi mé xã Đại Thành. Anh ra lẹ lẹ.

- Tui biết rồi. Bình tĩnh chờ tui tới liền.

Tiếng máy ghe xình xình, xịch xịch rồi nổ dòn dã băng băng trong màn đêm dần buông xuống. Đứng phía sau lái khi chạy ngang nhà mình Tân hô lớn:

- Má tụi nhỏ ơi ! Ăn cơm trước đi đừng có chờ tui. Tui đi vớt ghe chìm ngoài vàm sông Cái. Xong chuyện tui dìa liền.

Trên quãng sông rộng mênh mông, bóng dáng nhỏ bé khập khiễng phía sau ghe cứ xa dần, xa dần trong bóng đêm. Trong khoảng lặng thâm u ấy có một con người lặng lẽ đang làm việc nghĩa nhân với tấm lòng rộng mở như những nhánh sông xuôi về Ngã Bảy.

Song Anh

Bóng tình nhân
Bóng tình nhân

Chị đi công tác nước ngoài nửa tháng gửi gắm lại cho Vy căn nhà nhỏ ngoại ô, mấy giỏ phong lan treo ngoài hiên, vài cuốn sách đã đặt hàng nhưng chưa lấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN