Sông Lô thì thầm

Chiều cuối thu. Tại bến sông Lô xứ bưởi, Loan lúi húi vét những gàu nước trong chiếc thuyền của mình chuẩn bị cho chuyến đò cuối ngày đưa khách sang sông. Hoàng hôn dần buông. Bóng tượng đài chiến thắng sông Lô đổ dài soi xuống ngã ba sông nước xanh trong vắt. Sóng nước lung linh làm cho Loan có cảm tưởng như những chiến sỹ của cụm tượng đài ấy đang mỉm cười với chị. Phía trời tây, mây xếp tầng xếp lớp, ùn ùn trắng xốp như những núi tuyết cao dày với những tia nắng cuối ngày hắt lên bầu trời những dẻ quạt màu tím sẫm. Tiếng chuông nhà thờ của xứ Vân Cương, Lã Hoàng ngân nga trong gió. Dòng sông Lô, sông Chảy vừa qua mùa lũ được lúc dềnh dàng đưa nước về xuôi. Loan cảm thấy lâng lâng trước cảnh đẹp của sông nước quê hương, nơi chị đã sinh ra và gắn bó với biết bao kỷ niệm của đời mình.


- Cô ơi! Cô cho cháu sang đò với!


Tiếng ai đó gọi cắt ngang dòng suy nghĩ của chị. Loan ngẩng lên. Chị giật mình sững sờ, suýt nữa thì đánh rơi chiếc gàu múc nước đang cầm trên tay. Dũng! Trời ơi! Có phải Dũng, chồng chị đã mất cách đây gần 10 năm đang hiện về đó không? Sao cậu này lại giống anh đến thế? Chị luống cuống ngây người giây lát:


- Cháu về đâu? Xuống đò đi, cô đưa sang sông kẻo tối.


- Dạ, cháu về xã Tiên Phong ạ.


- Tiên Phong hả? Loan hỏi lại trước cái giọng miền Nam khó nghe của cậu khách.


- Dạ. Cháu tới cái xã nổi tiếng về bưởi của Đoan Hùng đó cô?


- Thế thì cháu đang đứng ở đất của xã Tiên Phong rồi còn gì.

Minh họa: Trần Thắng


Loan thấy lạ lẫm trước sự lúng túng ngờ nghệch của khách. Đúng là người từ xa đến. Chắc hẳn ở miền Nam ra. Nghe giọng nói và thái độ của cậu ta Loan đoán không thể sai được. Anh thanh niên sốt sắng, vồ vập hỏi:


- Xã Tiên Phong đây hả cô?


- Ừ! Cháu đang đứng trên đất xã Tiên Phong đấy - Loan nói lại cho cậu ta tin tưởng - Thế cháu hỏi thăm nhà ai?


- Dạ, cháu muốn hỏi nhà bác Dũng ạ?


- Dũng nào? Loan chột dạ - Xã này có nhiều Dũng lắm.


- Bác Dũng ở làng có nhiều bưởi nhất đấy ạ.


Loan lắc đầu bảo với cậu thanh niên rằng nếu cứ hỏi thăm như thế thì không thể nào tìm được đâu. Xã Tiên Phong rộng lắm, hơn 6.000 người cơ, mà lại có biết bao nhiêu là Dũng. Đến chị là người sinh ra ở đây cũng không nắm được hết nữa là. Cậu thanh niên lúng túng và lo lắng thật sự. Mặt cậu ta thoáng chút tái đi. Chiếc túi du lịch trong tay rơi bịch xuống đất. Bộ quần áo bò trên người cậu đẫm mồ hôi. Như sực nhớ ra điều gì, cậu ta lục túi tìm cuốn sổ tay và lấy ra một bức ảnh. Người thanh niên đưa bức ảnh cho Loan, nói vớt vát:


- Cô nhìn bức ảnh này xem có bác nào như thế thì chỉ cho cháu biết với.


Loan đưa tay đón lấy bức ảnh. Chị choáng người không tin ở mắt mình nữa. Người trong ảnh đúng là Dũng, chồng của chị. Vẫn khuôn mặt thanh tú đẹp trai, vẫn bộ quân phục xanh còn li mới cứng, và đặc biệt ánh mắt của Dũng thì không thể lẫn với ai được. Đôi mắt ấy vừa nghiêm nghị thiết tha, vừa chứa ẩn bao điều muốn nói. Mà sao cậu ta lại có bức ảnh đó được nhỉ? Loan nén sự băn khoăn, chị hỏi:


- Thế cháu với bác Dũng này là thế nào?


- Dạ. Cháu là con trai ạ.


- Con trai?


- Dạ.


Loan thất thần buông rơi tấm ảnh. Chị loạng choạng. Con đò chòng chành trên sông. Người thanh niên đỡ chị lấy lại cân bằng cho con thuyền.


- Kìa, cô ơi, cô làm sao thế?


Mãi một lúc sau Loan mới hết choáng váng:


- Cô không sao cả, chỉ hơi bị choáng tí thôi - Và chị lấy hết can đảm nói chậm từng tiếng - Chính cô là vợ của bố cháu đây.


Đến lượt người thanh niên sững sờ. Anh ta tròn mắt ngây ngô nhìn chị không nói nổi lời nào. Loan chủ động:


- Thôi ta lên bờ đi cháu. Chuyện chắc dài lắm. Bây giờ về nhà cô đã nhé.


Loan neo thuyền lại bến sông rồi đưa người thanh niên đó về ngôi nhà xinh xắn của mình ngay gần đó. Chàng trai lũi cũi theo sau ngơ ngác.


Loan bảo đứa con nuôi của chị chừng 10 tuổi ra trông thuyền. Thế rồi, vừa chuẩn bị cơm nước, Loan vừa tỉ tê hỏi chuyện chàng trai. Qua câu chuyện Loan được biết Bắc, tên cậu thanh niên nọ năm nay 25 tuổi. Dũng đã yêu mẹ Bắc trong những tháng năm ở Trường Sơn. Năm "bảy lăm", đơn vị Dũng đột ngột có lệnh tổng tiến công giải phóng Tây Nguyên và cơn lốc chiến thắng đã cuốn hút Dũng vào các trận đánh. Mẹ Bắc thì bị cuốn theo dòng người di tản. Chuyện này Loan cũng được Dũng kể từ trước ngày lấy nhau. Giải phóng Sài Gòn xong, anh đã quay lại tìm người yêu thì làng xóm cũ không còn ai cả. Dũng không hề biết đã để lại cho người con gái nọ giọt máu của mình. Trước ngày hỏi Loan làm vợ, anh đã trở lại miền Nam tìm cô gái xưa một lần nữa nhưng không gặp. Anh đành trở về cam phận với sự chia ly của chiến tranh. Còn mẹ Bắc, sau khi chạy giặc, chị đã sinh Bắc ở mãi tận biên giới tây nam Tổ Quốc. Chị đã gặp đồng đội cũ của Dũng, anh này cho biết Dũng đã hy sinh trên đường vào giải phóng Sài Gòn. Chị âm thầm sinh Bắc và đứng vậy nuôi con. Mãi gần đây, chị bị mắc bệnh ung thư. Biết không thể sống được, trong giờ phút lâm chung chị đã kể hết cho con trai biết sự thật và quê hương của cha nó. Chị mong con mình tìm về Đất Tổ. Và hôm nay, Bắc đã về đến nơi này.


Gặp Bắc, lòng Loan buồn vui lẫn lộn. Nhưng có lẽ chị vui nhiều hơn bởi vì đứa con trai bằng xương bằng thịt của Dũng đang hiện hữu trước mắt chị đây. Ngỡ tưởng cái chất độc màu da cam quái ác ấy đã làm cho chị không có con với Dũng thì may sao Dũng đã kịp có con của mình, một đứa con trai thật khôi ngô tuấn tú. Nhìn nó chị như thấy Dũng ở bên mình.


*
* *


Loan sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới trên sông. Bố mẹ Loan kể lại rằng: ngày trước gia đình chị cũng ở trên bờ thuộc đất Tiên Phong. Thời Pháp thuộc, địa chủ cường hào vơ vét áp bức ác quá, bố chị không còn một thước đất cắm dùi đã bỏ xuống sông làm nghề chài lưới. Loan sinh ra giữa mùa nước lũ. Sông Lô ngày thường trong xanh hiền hòa là thế, thế mà khi lũ về trông mới dữ tợn làm sao. Nước sông đỏ, đục ngầu trôi lều bều những củi và rác. Loan đã lớn lên, đẹp ra qua bao mùa nước lũ, lênh đênh trên con thuyền của cha và mẹ.


Ngày nhỏ, Loan thường được mẹ kể nhiều về dòng Lô. Đặc biệt chiến thắng thu đông năm "bốn bẩy" với những quả bưởi thủy lôi, với khẩu pháo thần công ta đã nhấn chìm bao tàu giặc Pháp thì mẹ Loan kể không biết bao lần mà lần nào cũng vậy giọng mẹ vẫn say sưa hấp dẫn lạ thường. Những đêm trăng sáng, sau một ngày chài lưới vất vả, giữa dòng Lô mênh mang, giọng mẹ thủ thỉ đều đều hòa với dòng nước trôi róc rách đã đưa Loan vào một thế giới cổ tích thật hấp dẫn. Loan mơ màng trong hương bưởi ngạt ngào, dưới ánh trăng vàng bát ngát. Dòng Lô hiền hòa êm trôi. Cô là người con duy nhất của bố mẹ nên được bố mẹ nuông chiều hết mực.


Những tưởng cuộc đời cứ thế suôn sẻ, ngờ đâu, năm Loan 16 tuổi, cô đột ngột mất mẹ. Một quả thủy lôi của Mỹ thả trên sông đã nổ tung khi gặp thuyền của mẹ đang đi kiểm tra lưới. Nước mắt của Loan, của bố hòa với dòng Lô đau đớn. Hai bố con cô đã phải cố nén nỗi đau thương mất mát, cùng con thuyền vẫn kiên cường bám sông để sống. Bố Loan ngoài việc chài lưới, ông còn cùng dân quân xã tham gia phá thủy lôi Mỹ trên sông. Ngày ấy, bến Đền Mom này là nơi chuyển vũ khí, là kho đạn của ta tập kết để theo đường sông ra mặt trận. Bọn Mỹ phát hiện được, chúng đã điên cuồng tập trung rải bom trên đường lộ, thả thủy lôi trên sông hòng bao vây hủy diệt kho đạn của ta. Dân quân du kích xã cùng với bộ đội đã thức bao đêm để vác đạn xuống xà lan chuyển ra tiền tuyến. Bố Loan ở trong đội phá thủy lôi. Ông đã lấy những quả bưởi xiên sợi dây thép qua rồi dùng thuyền của mình khéo léo thả những quả bưởi đó trôi trên sông. Bom từ trường Mỹ gặp bưởi có sợi thép đó đã nổ vu vơ vô tác dụng. Thế là một lần nữa bưởi lại cùng ta đánh giặc.


Loan ngày ngày chèo đò đưa khách qua sông mặc kệ máy bay Mỹ trên trời quần rít. Trong số những người khách đó có một chàng trai bên xã Hữu Đô ngày nào cũng qua đò của cô. Cậu ta đi học cấp 3 trường huyện. Ba năm trời đón đưa nhau dù họ không nói gì nhưng trong ánh mắt của họ ẩn chứa biết bao điều kỳ lạ. Kỷ niệm những lần qua sông cứ dày mãi trong họ, nhất là những bận đò đang giữa sông thì máy bay Mỹ đến. Chàng trai nhiều phen đã cầm chèo thay Loan đưa đò cập bến an toàn. Học xong cấp ba, Bích, tên người con trai đó, chẳng còn dịp được đi đò của Loan nữa. Ngày nào cậu ta cũng kiếm cớ ra bờ sông để ngơ ngẩn ngắm nhìn con đò, ngắm nhìn Loan. Và cuối cùng chàng thư sinh và cô lái đò ấy đã ngỏ lời yêu nhau vào một đêm trăng sáng trên bến Đền Mom đầy thơ mộng. Loan say sưa với mối tình đầu. Cô chèo đò trên sông mà ngỡ như mình đang bay trên bầu trời trong xanh của quê hương xứ bưởi. Bích tham gia vào đội cảm tử phá bom nổ chậm của Mỹ. Tình yêu của họ tràn đầy dào dạt như nước dòng Lô. Thật không ngờ và đau đớn cho Loan, trong ngày phá bom đầu tiên của xã, Bích đã anh dũng hy sinh. Nghe được tin này Loan đã chết lặng, buông rơi mái chèo mặc cho con đò đang giữa dòng đưa khách sang sông. Trời ơi, mối tình đầu của Loan đã bị bom Mỹ cướp mất rồi! Loan khóc thầm trong đớn đau. Ơi kỷ niệm của những lần đưa Bích sang sông đi học, hỡi dòng Lô, có thấu chăng lòng Loan lúc đó?


Thương con, bố cô đã vỗ về an ủi: "Thôi con ạ. Số phận vậy, biết làm sao được. Hãy cứng rắn lên con. Hãy để mẹ con và Bích yên nghỉ bên dòng sông này. Cha con mình mãi ở bên họ. Con cứ buồn như thế, cha làm sao sống nổi". Nghe lời cha, Loan đã vững tay chèo trở lại, tiếp tục cuộc sống với những chuyến đò đưa khách sang sông.


Năm 1975, bố Loan đã càng ngày càng già và yếu hơn. Mọi công việc sông nước hầu như ông giao phó cho Loan tất cả. Loan đã bước sang tuổi 25. Có biết bao chàng trai đến với cô nhưng cô vẫn một mực từ chối. Trong Loan hình ảnh của Bích với mối tình đầu đã không thể nào phai nhạt được. Bố cô chỉ nhìn cô thở dài. Trong căn nhà bè của cái làng vạn chài trên sông Lô này vẫn chỉ có hai bố con cô ngày ngày lênh đênh cùng dòng nước. Có lần, bố cô định lên bờ xin đất của xã làm nhà nhưng lại thôi. Bởi trong ông dòng Lô này đã trở thành máu thịt, nơi người vợ thương yêu của ông đã ngã xuống giữa dòng nước mênh mang.


*
* *


Dũng trở về làng năm "bảy lăm" sau 10 năm đánh Mỹ. Anh không là thương binh và cũng chẳng là bệnh binh. Nghĩa là anh phục viên về xã như bao người bộ đội khác. Ba mươi tuổi đang xoan, vừa qua cuộc chiến tranh, được hưởng không khí hòa bình đã làm anh choáng ngợp quên hết những cơn sốt rét, mưa rừng; những tháng nằm hầm, ngủ võng ở Trường Sơn, ở bưng biền Đồng Tháp. Lòng anh phơi phới về quê. Gặp Loan ở bến đò, cô bé ngày xưa giờ đã hai mươi lăm tuổi tươi giòn trên sông nước. Anh khẽ mỉm cười chào Loan.


Thế rồi cũng như bao chàng trai khác, Dũng đã đến với Loan. Anh lặng lẽ âm thầm theo đuổi Loan. Anh cố tìm cách tiếp cận Loan bằng những buổi ra sông đánh cá, những ngày tỉa bắp trồng ngô ven sông. Anh thường ngồi hàng giờ với bố của Loan trò chuyện. Có buổi đò đông anh đã kiếm cớ giúp khách lên đò để được gần Loan. Mấy bận anh đặt vấn đề với Loan đều bị Loan khéo léo từ chối. Anh biết Loan vẫn nặng tình với Bích. Bố Loan đã mấy lần khuyên bảo cô nhưng cô chỉ ậm ừ. Thực lòng, Loan rất mến Dũng nhưng cô sợ lấy Dũng thì để bố sống với ai? Chả lẽ để bố một mình trên sông nước? Cô thương bố lắm. Mãi sau này biết được tâm tư của Loan, Dũng đã mạnh dạn đặt thẳng vấn đề quyết chí lấy Loan làm vợ cho dù mang tiếng là ở rể và phải sống trên sông. Biết được chuyện này bố Loan vui lắm. Ông thôi thúc Loan thu xếp việc lấy chồng. Và năm "tám mươi" họ đã làm lễ cưới.


Suốt hơn chục năm trời vợ chồng Loan sống thật hạnh phúc. Tuy vậy, mấy lần sinh nở mà họ vẫn chưa có con. Những đứa con của họ sinh ra đều quái thai dị dạng. Đi khám ở bệnh viện họ bảo rằng Dũng bị nhiễm chất độc màu da cam đang phát bệnh. Dũng ngao ngán, xót xa. Mấy lần anh khuyên Loan đi lấy chồng khác nhưng cô một mực từ chối. Cô cấm anh không được nhắc tới ý định đó. Và họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau. Khi bố cô chết, vợ chồng Loan đã xin mảnh đất này bên sông để làm nhà ở. Ngày ngày vợ chồng Loan vẫn làm nghề chài lưới và đưa khách sang sông. Họ xin được một bé gái làm con nuôi. Trong căn nhà nhỏ bên sông ấy vẫn ấm áp tiếng cười con trẻ. Loan bằng lòng với cuộc sống của mình.


- Thế bố con bây giờ ở đâu hả dì? Bắc đột ngột gọi Loan bằng dì và hỏi cắt ngang dòng suy tưởng trong câu chuyện của Loan.


- Bố con mất rồi, mất trong trận lụt "chín hai" đó.


Bắc như sụp hẳn xuống. Cậu ta ngơ ngác nhìn lên bàn thờ. Ở đó, nén nhang Loan thắp tự lúc nào đang nghi ngút khói. Dũng đang mỉm cười trong ảnh vẻ đầy mãn nguyện. Loan kể tiếp cho Bắc nghe về cái chết của Dũng.


Năm "92", nước to lắm, ngập mênh mông cả trong đồng và ngoài sông. Sông Lô cuồn cuộn chảy. Dũng tham gia trong đội giao thông hỏa tốc trên sông. Một cái cống phía đê Tiên Phong nước đùn vào đồng dữ dội. Mọi người xúm xít trên đê lo tìm cách giữ đê cứu lúa. Bao nhiêu tải đất vứt xuống đều vô ích. Ông chủ tịch ra lệnh cho người lặn xuống để tìm chỗ cống hở. Mọi người còn đang loay hoay thì Dũng đã nhảy xuống. Anh lặn một hơi và không thấy trở lại. Dòng nước thôi không đùn vào nữa nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi. Mấy ngày sau nước rút người ta mới vớt được xác anh. Loan như người vô hồn. Chị rũ xuống như tàu lá. Chôn cất Dũng xong, chị cứ ôm mãi nấm đất của anh mà khóc. Mười hai năm trời chung sống với nhau chứa chan bao tình nghĩa. Thế là hai bờ sông Lô này những người thân yêu nhất của chị đã yên nghỉ ngàn đời. Bờ Hữu Đô có Bích, bờ Tiên Phong có Dũng. Giữa dòng Lô trong xanh kia là nơi mẹ Loan đã ngã xuống. Bến Đền Mom này, cha chị cũng đã ra đi. Hôm nay, Bắc về đây, phải chăng là trời đã có mắt cho Dũng, cho chị?


Trước bàn thờ chồng, chị đã khóc trong nỗi tủi hờn, sung sướng. Bắc đến bên chị. Cậu ta ôm chầm lấy chị, rưng rưng, nghẹn ngào: "Dì ơi, dì mãi ở bên con dì nhé!". Loan đưa tay vòng ôm lấy Bắc lặng lẽ gật đầu. Ngoài kia trăng thu vằng vặc sáng. Và dòng Lô vẫn thầm thì êm trôi.


Xuân Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN