Thi sĩ

Tôi không mấy hứng thú với những người nổi tiếng và cũng chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để bắt tay những con người vĩ đại trên Trái đất này. Khi người ta đề nghị tôi gặp một ai đó thuộc đẳng cấp cao hơn kẻ khác nhờ địa vị hay tài năng thì tôi thường tìm ra lý do hợp lý để khước từ cái niềm hân hạnh ấy. Rồi một lần anh bạn Diego Torre của tôi cũng ngỏ ý giới thiệu tôi với Santa Ana. Song lần này sự từ chối của tôi quả là có lý do thật. Santa Ana không chỉ là một nhà thơ vĩ đại mà còn là một nhân vật rất lãng mạn, và thực lòng điều đó khiến tôi rất muốn chứng kiến con người dù nay đã trở nên hom hem nhưng những cuộc phiêu lưu tình ái của ông đã đi vào huyền thoại (chí ít là ở Tây Ban Nha). Nhưng tôi cũng hiểu rằng việc tiếp đón một kẻ lạ mặt ngoại quốc như tôi sẽ gây phiền toái cho con người già yếu ấy. Calisto de Santa Ana là người nối dõi cuối cùng của trường Grand. Sống trong một thế giới khô khan đối nghịch với chủ nghĩa Byron nhưng ông vẫn mang phong cách lãng mạn mà sau này, quãng đời phiêu lưu được miêu tả lại trong hàng loạt bài thơ đã đưa ông lên những tên tuổi hàng đầu trong số những người đương thời. Tôi không thể đánh giá đúng mực những bài thơ ấy vì tôi đọc chúng lần đầu từ năm 23 tuổi để rồi bị cuốn hút không cưỡng lại được. Những bài thơ mang đầy vẻ mê đắm, kiêu hãnh với một sức sống đa diện, khiến đôi chân tôi như bay lên khỏi mặt đất.

 Minh họa: BOP


Cho đến tận bây giờ, cứ mỗi lần đọc lại những bài thơ ấy là ngữ điệu đầy ám ảnh và cả hồi ức quyến rũ của một thời trai trẻ lại sống dậy khiến trái tim tôi không thể nào thôi rung động. Tôi vẫn luôn cho rằng Calisto de Santa Ana xứng đáng với danh tiếng mà ông có được ở những nước nói tiếng Tây Ban Nha. Thời bấy giờ chẳng thanh niên nào thôi đọc thơ ông và bạn bè tôi thì cứ ngợi ca không dứt phong cách dữ dội của ông, những bài diễn văn cuồng nhiệt (bên cạnh một chính trị gia ông còn là một thi sĩ nữa), sự hài hước chua cay, và cả những người tình. Ông là một kẻ nổi loạn, và đôi lúc còn là kẻ ngoài vòng pháp luật nữa, dám dấn thân và mạo hiểm, nhưng trên tất cả, ông là một người tình. Chẳng ai không biết tình cảm cuồng nhiệt của ông dành cho nữ minh tinh nổi tiếng này hay nữ ca sĩ vĩ đại khác, đến nỗi chẳng cần đọc thì chúng tôi cũng thuộc lòng những bài thơ trữ tình cháy bỏng viết về những mối tình của ông, cả nỗi đau đớn và sự phẫn nộ. Chúng tôi cũng biết câu chuyện về một công nương xứ Tây Ban Nha, cô gái lộng lẫy nhất của dòng họ Bourbon, đã mềm lòng trước sự khẩn cầu của ông để rồi phải đeo mạng che mặt ẩn náu suốt đời khi bị ông ruồng bỏ. Xưa kia, tổ tiên mang dòng máu hoàng gia của cô là đức vua Philip đã khiến một cung phi của mình phải vào nhà tu kín sau khi ông đã chán bà vì theo luật, thê thiếp của vua sẽ không được phép đi yêu người khác, vậy chẳng hoá ra Calisto de Santa Ana lại chẳng vĩ đại hơn cả một ông vua hay sao? Chúng tôi đã rất ngưỡng mộ hành động lãng mạn của vị công nương ấy và nhà thơ của chúng tôi.

Nhưng tất cả những câu chuyện này xảy ra lâu rồi và trong suốt hơn hai mươi năm qua, Don Calisto đã khinh thị rút lui khỏi người đời khi mà không còn gì níu chân ông được nữa. Ông lui về sống ở một nơi hẻo lánh tại quê nhà Ecija. Trong một hai tuần ở Seville, tôi cũng định đến đó, không phải là vì ông mà bởi cái thị trấn vùng Andalusian nhỏ bé đó đã quyến rũ tôi, cũng nhân đấy thì anh bạn Diego Torre cũng ngỏ ý muốn dàn xếp cuộc gặp mặt này. Thỉnh thoảng thì Don Calisto vẫn cho phép những người trẻ tuổi giao lưu qua thư từ được gặp ông và đôi lần ông tiếp chuyện họ bằng ngọn lửa cuồng nhiệt từng hâm nóng người nghe như những ngày hoàng kim đã qua từ lâu lắm.

- Bây giờ ông ấy thế nào? – Tôi hỏi

- Vẫn phong độ.

- Cậu có ảnh của ông ấy không?

- Giá mà có nhỉ. Kể từ năm 35 tuổi ông ấy đã từ chối đứng trước ống kính rồi. Ông ấy nói không muốn hậu thế nhìn mình khác những gì họ thấy khi ông còn trẻ.

Phải thừa nhận rằng sự cảnh vẻ này không phải không có đôi chút xa xót. Tôi biết rằng thời trai trẻ ông có một vẻ đẹp khác thường và những bài thơ thương cảm nhất được viết ra khi càng ngày ông càng ý thức được rằng tuổi thanh xuân đã vĩnh viễn rời bỏ ông, chứng tỏ ông đang phải chịu đựng một nỗi thống khổ đầy mỉa mai và cay đắng khi chứng kiến những ánh mắt đã từng rất ngưỡng mộ giờ đây trở nên hờ hững đến thế nào.

Nhưng tôi đã từ chối lời mời của anh bạn. Tôi hoàn toàn thỏa mãn với việc đọc lại một lần nữa những bài thơ mà tôi đã thuộc lòng và tự do đi dạo trên những đường phố yên tĩnh đầy nắng mặt trời của Ecija. Vì vậy tôi vô cùng sửng sốt khi đúng vào tối hôm tôi đến lại bất ngờ nhận được một bức thư mời từ chính con người vĩ đại ấy. Diego Torre đã viết thư cho ông ta thông báo về chuyến viếng thăm của tôi, trong thư kể như vậy, và ông sẽ rất vui mừng nếu tôi ghé thăm ông vào lúc 11 giờ sáng mai. Trong trường hợp này thì chẳng còn gì thoái thác được nữa ngoài việc trình diện tại nhà ông vào giờ như đã định.

Khách sạn tôi ở ngay quảng trường và trong một sáng xuân như vậy quang cảnh có vẻ náo nhiệt, nhưng ngay khi rời khỏi đó, tôi như bước vào một thành phố bỏ hoang. Đường phố, những con phố trắng toát khúc khuỷu trống không, chẳng có ai ngoại trừ một phụ nữ vận đồ đen với những bước chân mộ đạo đều đặn gõ trên nền đường. Ecija là một thị trấn toàn nhà thờ và bạn khó có thể lờ đi những bức tường đổ nát hay một cái tháp chuông đầy tổ cò. Tôi dừng lại một lúc để ngắm nhìn một đoàn lừa con đi ngang qua. Những tấm phủ lưng lừa màu đỏ giờ đã bạc phếch và chúng cõng theo mấy chiếc sọt mà tôi không biết có thứ gì ở bên trong. Trước đây Ecija đã từng là một nơi quan trọng. Rất nhiều ngôi nhà sơn trắng có cổng vào bằng đá phủ đầy những huy hiệu. Những người giàu có từ Thế giới mới cũng như những kẻ phiêu lưu tìm đến châu Mỹ để làm giàu đã đổ về nơi hẻo lánh này sống nốt những năm cuối đời. Don Calisto sống ở một trong những ngôi nhà này đây. Lúc đứng đợi người ra mở cửa, tôi đã nghĩ rằng ông sống ở một nơi rất phù hợp với phong cách của mình. Cổng vào đồ sộ có một vẻ hoang tàn mà kiêu hãnh rất phù hợp với ấn tượng của tôi về một nhà thơ lãng mạn. Tôi nghe thấy tiếng chuông vang khắp nhà mà chẳng ai ra mở cửa. Tôi kéo chuông lần thứ hai, rồi lại lần thứ ba. Cuối cùng thì cũng có một người đàn bà đứng tuổi có ria mép bước ra cửa.

- Ông cần gì? – bà ta hỏi.

Bà có đôi mắt đen rất đẹp nhưng cau có và tôi đoán đây là người đang chăm sóc ông già.

- Tôi có hẹn với ông chủ.

Bà ta mở cánh cổng sắt và mời tôi vào. Bà bảo tôi đứng đợi rồi đi lên gác. Sân trong khá mát mẻ. Sự cân xứng của nó rất đáng kinh ngạc, đến độ khiến người ta cho rằng chính những người Tây Ban Nha đi chinh phục Mexico và Peru hồi thế kỷ thứ 16 đã sáng tạo ra nó. Nhưng lớp sơn tường đã ố bẩn, còn gạch lát sàn thì bị vỡ, vữa tường đôi chỗ bong tróc ra từng mảng. Tất cả toát lên vẻ gì đó bần hàn nhưng không dơ dáy. Tôi biết Don Calissto cũng nghèo. Đã có thời đồng tiền đến với ông một cách dễ dàng nhưng ông chẳng mấy khi xem đó là thứ quan trọng nên tiêu xài khá hoang phí. Chắc rằng giờ đây ông sống trong cảnh thiếu thốn nhưng vẫn giữ lòng kiêu hãnh mà không màng đến điều đó. Giữa sân có chiếc bàn nước với ghế bành kê bên cạnh, trên bàn để vài tờ báo ra cách đây cả nửa tháng rồi. Tôi tự hỏi không biết ông mơ đến điều gì khi ngồi đó hút thuốc trong những đêm mùa hè ấm áp. Trên tường treo vài bức tranh Tây Ban Nha xấu xí và u ám. Phía đằng xa có một chiếc tủ chạm khắc cổ phủ đầy bụi, trên đặt cái đĩa men sứ bị sứt. Cạnh cửa vào treo hai khẩu súng ngắn cũ kỹ và tôi cứ thích thú tưởng tượng rằng đó là thứ vũ khí mà ông đã sử dụng cho cuộc đấu súng nổi tiếng nhất của mình để hạ đo ván công tước Dos Hermanos và giành lấy nàng vũ công Pepa Montafiez mà tôi đồ rằng giờ đã trở thành một mụ phù thủy mặt sơn trát lòe loẹt và răng thì móm hết cả.

Khung cảnh ấy và những gì mà tôi lờ mờ đoán ra được phù hợp tuyệt đối với nhà thơ lãng mạn đến nỗi tôi hoàn toàn bị nơi này chinh phục. Sự bần hàn cao quý bao phủ xung quanh nhà thơ với ánh hào quang chói lọi như những vinh quang của ông thời tuổi trẻ vậy. Ở ông có một tinh thần hào sảng của những người Tây Ban Nha xưa cũ đi chinh phục miền đất mới và rõ ràng là rất hợp lẽ khi ông kết thúc cuộc đời nổi tiếng ở ngôi nhà đổ nát mà thanh cao này. Chắc chắn rồi, một nhà thơ phải sống và chết như thế. Thay vì cảm giác lãnh đạm ban đầu, thậm chí là chán nản với cuộc gặp gỡ này, giờ tôi lại cảm thấy hơi hồi hộp đôi chút. Tôi châm một điếu thuốc và tự hỏi điều gì khiến ông già trở nên chậm trễ đến thế trong khi tôi đã đến rất đúng giờ.

Sự yên tĩnh trở nên khó chịu một cách kỳ lạ. Những bóng ma quá khứ kéo đến khoảng sân yên tĩnh này khiến mọi thứ như mơ hồ sống lại trước mắt tôi. Những người đàn ông cuồng nhiệt với ý chí mạnh mẽ đã vĩnh viễn mang theo điều đó về với thế giới bên kia. Giờ thì chúng ta chẳng còn thể nào lập được những chiến công hiển hách kiểu anh hùng sân khấu như vậy nữa.

Tôi nghe thấy một tiếng động và trống ngực đột nhiên đập thình thịch. Tôi cảm thấy vô cùng phấn khích, và cuối cùng, khi nhìn thấy ông chậm chạp bước xuống thang gác, tôi hầu như nín thở. Ông đang cầm tấm danh thiếp của tôi. Đấy là một ông già cao và gầy quá đỗi với nước da trắng bệch đặc trưng của người già. Mớ tóc trắng dày nhưng hai hàng lông mày rậm lại vẫn còn đen. Chúng khiến cho đôi mắt rất to của ông ánh lên những tia lửa u sầu. Thật tuyệt vời khi ở tuổi này mà đôi mắt đen vẫn còn duy trì được sự tinh anh nhường ấy. Mũi ông khoằm, đôi môi ông mím lại. Đôi mắt không cười dừng lại ở tôi và tôi đọc được trong đó một vẻ dò xét lạnh lùng. Ông vận đồ đen, tay kia cầm một chiếc mũ rộng vành. Có vẻ gì đó quả quyết và cao quý trong dáng vẻ đầy chịu đựng của ông. Ông đúng như những gì mà tôi đã hình dung và khi ngắm nhìn ông, tôi hiểu rằng bằng cách nào mà ông đã chế ngự được trí óc của độc giả và chạm tới trái tim họ. Ông là một thi sĩ đích thực.

Xuống đến sân, ông chậm rãi bước lại phía tôi. Người đàn ông này có đôi mắt tinh anh của loài đại bàng. Đó dường như là một khoảnh khắc rất kỳ lạ. Ông đứng kia, người kế thừa của những thi sĩ Tây Ban Nha vĩ đại, của Herrera kiêu hãnh, của Fray hoài cảm, của Juan de la Cruz bí ẩn, của Góngora trừu tượng. Ông, người kế thừa cuối cùng hoàn toàn xứng đáng nối bước họ. Thực kỳ lạ, tự đáy lòng tôi vang lên bài ca ngọt ngào, êm ái từ những vần thơ nổi tiếng nhất của Don Calisto.

Tôi cảm thấy bối rối. Nhưng thực may là trước đó tôi cũng đã chuẩn bị sẵn vài câu chào ngài Calisto.

- Thật là một niềm vinh dự lớn, thưa ngài. Một kẻ ngoại quốc như tôi lại được diện kiến một nhà thơ lớn.

Một vẻ bỡn cợn thoáng qua đôi mắt sắc sảo và trong khoảnh khắc có nụ cười nhếch lên từ khóe môi mỏng dính.

- Tôi không phải là nhà thơ, thưa ông. Tôi làm nghề bán chổi. Chắc ông nhầm rồi. Ngài Don Calisto ở nhà bên cạnh.

Thì ra tôi đã đi nhầm nhà mất rồi.


Truyện ngắn của Sommerset Maugham (Anh)

Di Li (dịch từ trang web miguelmllop.com)
 

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN