ThS. Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2023 trường dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tổ hợp 3 môn xét tuyển A00, A01, D01, D07 đối với học sinh THPT thuộc khu vực 3 (không nhân hệ số) là 20 điểm.
Theo thống kê, có gần 24.000 nguyện vọng đăng ký trên cổng xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào trường, tăng gấp đôi so với năm 2022. Theo đó, để trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế - Luật năm 2023, thí sinh phải có điểm trung bình 3 môn tối thiểu từ loại giỏi (8 điểm/môn) trở lên.
Cụ thể, điểm chuẩn trúng tuyển thấp nhất là 24,06 điểm (tăng 1,05 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển thấp nhất năm 2022) là ngành Toán Kinh tế (chương trình bằng tiếng Anh). Ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 27,48 điểm; Hệ thống thông tin quản lý là 27,06 điểm; Digital Marketing (bắt đầu tuyển sinh năm 2023) là 27,25 điểm. Điểm trúng tuyển trung bình tính theo các lĩnh vực đào tạo của Trường: Kinh tế 25,89 điểm, Kinh doanh 26,04 điểm, Luật 25,32 điểm.
ThS. Cù Xuân Tiến cho biết, thí sinh Nguyễn Hoàng Thái Ngân, trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) trúng tuyển vào ngành Kiểm toán là thủ khoa phương thức 3 với 27,95 điểm (chưa tính điểm ưu tiên khu vực, đối tượng).
Tương tự, Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 dao động 16 - 21 điểm tùy ngành. So với ngưỡng đảm bảo chất lượng đã công bố, nhiều ngành có mức điểm chuẩn tăng 01 - 03 điểm.
Cụ thể, các ngành Công nghệ thông tin, Dược học có điểm chuẩn cao nhất là 21 điểm. Kế đó, các ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị kinh doanh, Marketing, Truyền thông đa phương tiện có điểm chuẩn là 20 điểm. Một số ngành có điểm chuẩn 18-19 gồm: Công nghệ ô tô điện, Digital Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thiết kế đồ họa, An toàn thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Thú y, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học. Tất cả các ngành còn lại có điểm chuẩn 16-17 điểm.
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, so với ngưỡng đảm bảo chất lượng đã công bố, nhiều ngành có mức điểm chuẩn tăng 01- 03 điểm. Trong đó, những ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Ô tô, Truyền thông, Marketing (Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ ô tô điện, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Marketing) đều tăng 02 - 03 điểm.
“Kết quả này gắn liền với xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh hiện nay, nhất là sự ưa chuộng đối với các ngành thuộc lĩnh vực Truyền thông - Marketing. So với năm 2022, nhiều ngành thuộc lĩnh vực này tại có điểm chuẩn tăng đáng kể như ngành Marketing tăng 03 điểm, Truyền thông đa phương tiện tăng 02 điểm, các ngành Digital Marketing và Quan hệ công chúng tăng 01 điểm”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung thông tin thêm.
Còn Hội đồng Tuyển sinh trường Đại học Gia Định TP Hồ Chí Minh cho biết, so với năm 2022, điểm chuẩn trúng tuyển của trường năm nay tăng từ 0,75 điểm đến 1,5 điểm đối với các ngành như Công nghệ thông tin, Marketing. Riêng ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, điểm chuẩn tăng 1 điểm so với năm ngoái. Đây là ngành mà vài năm gần đây thu hút sự lựa chọn của thí sinh. Đặc biệt, đối với ngành Quan hệ công chúng, điểm chuẩn trúng tuyển năm nay tăng 1,5 điểm so với điểm chuẩn năm 2022.
Cụ thể, năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành này là 16,5 điểm. Ngành Quan hệ công chúng là ngành mới của khoa Truyền thông số mà trường đào tạo từ năm 2022, thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay. Các ngành còn lại có điểm chuẩn không thay đổi nhiều so với năm ngoái (15 điểm) ở phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, điểm chuẩn cao nhất vào trường theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 là 27,11 điểm thuộc khối C00 và thấp nhất là 22,91 khối A01.
Cụ thể, ngành Luật có điểm trúng tuyển cao nhất là 27,11 điểm khối C00; khối A00 là 24,11 điểm; khối D01, 03,6 là 23,61 điểm và khối A01 là 22,91 điểm. Kế tiếp là ngành Luật thương mại quốc tế có điểm trúng tuyển 26,86 điểm ở tất cả khối A01, D01, D66 và D84. Còn ngành Quản trị -Luật có điểm trúng tuyển cao nhất là 2585 điểm ở khối A00; D01 là 25,5 điểm; D84 điểm trúng tuyển 25,15 và thấp nhất là 24,45 điểm khối A01; ngành Quản trị kinh doanh điểm trúng tuyển 24,16 điểm cho tất cả các khối xét tuyển; ngành Ngôn ngữ anh điểm trúng tuyển cao nhất là 25,78 điểm ở khối D14 và D66; còn khối D01 và D84 có điểm trúng tuyển 24,78 điểm.
Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, điểm trúng tuyển vào các ngành nêu trên dành cho thí sinh thuộc khu vực 3. Bên cạnh đó, hiện trường chưa tiến hành xét phân khoa để quản lý sinh viên đối với thí sinh trúng tuyển vào ngành Luật. Sau khi thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo và làm thủ tục nhập học chính thức tại trường, căn cứ vào năng lực đào tạo của từng khoa, nguyện vọng và số lượng thí sinh nhập học chính thức, Trường sẽ công bố kết quả xét vào các khoa, trước khi thí sinh vào học chính thức.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước 17 giờ ngày 24/8, các trường Đại học nhập điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống để công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Từ ngày 24/8 đến trước 17 giờ ngày 8/9, thí sinh thực hiện xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tất cả thí sinh trúng tuyển đều phải thực hiện xác nhận nhập học. Nếu không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, các trường sẽ coi như thí sinh từ chối nhập học, loại khỏi danh sách trúng tuyển.