Theo đó, sáng 12/6, các thí sinh thi các môn: Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, mỗi bài thi 150 phút (từ 8 giờ - 10 giờ 30 phút); tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn (môn thay thế), mỗi bài thi 120 phút (từ 8 giờ - 10 giờ). Chiều 12/6, các thí sinh thi các môn: Vật lý, Lịch sử, Địa lý, mỗi bài thi 150 phút (từ 14 giờ - 16 giờ 30 phút); Hóa học, tiếng Anh, mỗi bài thi 120 phút (từ 14 giờ - 16 giờ).
Mỗi thí sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của 2 trong 4 trường: Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ, Trung học Phổ thông Chu Văn An, Trung học Phổ thông Sơn Tây. Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào cùng 1 môn chuyên của 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là: trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2. Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các môn chuyên khác nhau của hai trường với điều kiện buổi thi của các môn chuyên đó không trùng nhau.
Kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định điều kiện dự tuyển vào lớp 10 chuyên của 4 trường (gồm: Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ, Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây) như sau: Học sinh (hoặc bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của học sinh) có nơi thường trú tại Hà Nội; học sinh có xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp Trung học cơ sở từ khá trở lên; học sinh có xếp lại tốt nghiệp Trung học cơ sở từ khá trở lên. Học sinh các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra có kết quả học tập năm học lớp 9 Trung học cơ sở xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh được đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An.
Cụ thể: thí sinh sẽ phải dự 2 vòng thi. Trong đó, vòng 1 sơ tuyển căn cứ vào các tiêu chí và được đánh giá bằng điểm số gồm: Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, toàn quốc, khu vực và quốc tế (giải Nhất 5 điểm; giải Nhì 4 điểm; giải Ba 3 điểm và giải Khuyến khích 2 điểm); kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp Trung học cơ sở (mỗi năm xếp loại học lực giỏi được 3 điểm, học lực khá được 2 điểm); kết quả tốt nghiệp Trung học cơ sở (loại giỏi được 3 điểm, loại khá được 2 điểm). Như vậy, điểm sơ tuyển được tính bằng tổng điểm của các kết quả nói trên. Thí sinh đạt 10 điểm trở lên sẽ được thi tuyển vòng 2.
Vòng 2, thí sinh dự thi 3 bài thi trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và bài thi môn chuyên theo nguyện vọng. Các bài thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên tính hệ số 1, bài thi môn chuyên tính hệ số 2.
Đề thi môn chuyên theo hình thức tự luận, gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp Trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, đảm bảo các cấp độ nhận thức: thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Riêng môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) được áp dụng kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết. Học sinh được làm bài thi môn Toán thay thế để xét tuyển vào lớp chuyên Tin học.