Đây là hoạt động thiết thực nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các ngành hiếm, ngành truyền thống khó tuyển sinh, cần bảo tồn và đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Thông qua đó góp phần phát huy vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch đối với sự phát triển chung của đất nước.
Tại Ngày hội, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch sẽ giới thiệu, quảng bá thế mạnh, uy tín, chất lượng đào tạo; cung cấp thông tin về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách và học phí. Học sinh, sinh viên được giao lưu, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý; mở rộng cơ hội, lựa chọn về nghề nghiệp, định hướng sau khi tốt nghiệp.
Trong ngày hội sẽ diễn ra tọa đàm “Đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm sau khi ra trường”. Các chuyên gia sẽ đưa ra những góc nhìn đa chiều về xu hướng phát triển ngành, nghề của khu vực và thế giới trong thời đại số; chia sẻ kỹ năng, phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp…
Chương trình có sự tham gia của 12 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ: Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Cao đẳng Mỹ thuật - Trang trí Đồng Nai, Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Đặc biệt ngày hội có sự tham gia của các nghệ sỹ, vận động viên, chuyên gia có thành tích và tầm ảnh hưởng. Có thể kể đến sự tham gia của vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh, ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân, Nguyễn Hương Ly, Lê Anh Dũng, nghệ sỹ violin Phan Quân. Học viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ sẽ trình diễn xoay gốm và ký họa chân dung trên nền nhạc, trình diễn võ thuật, trình diễn kỹ năng nghề; hòa tấu đàn tranh dân ca 3 miền...