Trường cao đẳng, trung cấp vẫn lúng túng tuyển sinh

Dù học sinh cuối cấp THPT đã bắt đầu làm hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, nhưng tới nay kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề vẫn “rối”.

Một lớp dạy thực hành tại trường Cao đẳng công nghiệp Hải Phòng.


Lo tuyển sinh không đạt


Từ năm 2017, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính thức thống nhất và xóa bỏ ranh giới giữa cao đẳng và cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. “Theo đó, hơn 1.000 trường cao đẳng, trung cấp được chuyển đổi cấp quản lý nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sang Bộ LĐTBXH. Dù mùa tuyển sinh 2017 bắt đầu, nhưng đến cuối tháng 3 mới có quy chế tuyển sinh và vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết từ Bộ LĐTBXH, trong khi Bộ GD&ĐT đã mở rộng đường cho thí sinh vào đại học với nhiều nguyện vọng. Với hình thức tuyển sinh như năm nay, hệ đại học sẽ gần như vét hết số học sinh tốt nghiệp PTTH. Chúng tôi như ngồi trên đống lửa với rất nhiều băn khoăn”, đại diện Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cho biết.


Còn ông Vũ Văn Đoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thuỷ lợi Bắc bộ cho biết: “Trường chuyển sang Bộ LĐTBXH quản lý hơn 3 tháng nhưng vẫn lúng túng về chương trình. Trước đây trường thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, thời gian học thực hành chỉ 30% chương trình, nay thời gian học thực hành tối thiểu phải 50%, nên phải thay đổi chương trình học. Kéo theo đội ngũ giáo viên trước đây dạy lý thuyết cũng phải học thêm kỹ năng nghề để dạy thực hành, chưa kể yêu cầu đầu tư lớn về cơ sở vật chất cho học thực hành”.


“Kỳ tuyển sinh năm nay sẽ rất khó khăn nhưng chương trình đào tạo vẫn chưa xong để trình Bộ phê duyệt. Các nghề đào tạo của chúng tôi tới nay chưa được cấp phép liệu có được quảng cáo, thông báo tuyển sinh không? Bên cạnh đó, trường có 70-80% giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng lâu nay chủ yếu dạy lý thuyết, nay phải học nâng cao kỹ năng nghề”, ông Đoan cho biết.


Dù là trường cao đẳng nghề chất lượng cao, nhưng ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội cho rằng: “Chính sách tuyển sinh đại học năm 2017 của Bộ GD&ĐT thay đổi tác động rất lớn tới tuyển sinh của hệ cao đẳng, trung cấp. Chưa năm nào học sinh Việt Nam có cơ hội học đại học lớn như năm nay. Nhiều trường đại học đào tạo cùng ngành như cao đẳng nên có thể người học sẽ ưu tiên lựa chọn đại học”.


Bà Nguyễn Thị Hường, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cho biết: “Thông tin tuyển sinh cao đẳng, trung cấp khó tới kịp học sinh, khi học sinh đã bắt đầu làm hồ sơ dự thi. Những năm trước, phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT có cả thông tin các trường cao đẳng, trung cấp nhưng nay hệ thống trường nghề chuyển sang Bộ LĐTBXH nên thông tin trường nghề cũng bị loại khỏi hệ thống”.


“Đó là chưa kể nội dung chương trình đào tạo cùng lĩnh vực cũng không thống nhất, do đó, Tổng cục Dạy nghề cùng với cơ quan chức năng Bộ Y tế cần thống nhất nội dung khung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra để các trường còn định hướng xây dựng nội dung” bà Hường cho biết.


“Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định nhiều chính ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút người học. Đơn cử như miễn 100% học phí với nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội yêu cầu, những nghề đặc thù. Nhưng văn bản quy định hướng dẫn những nghề đặc thù, nghề khó tuyển sinh thì vẫn chưa có để trường có thể tư vấn cho học sinh’, đại diện trường cơ điện Phú Thọ cho biết.


Tuyển theo nhu cầu thị trường


Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đánh giá, việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp còn khó khăn và sẽ có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT chia sẻ thông tin tuyển sinh, kết quả kỳ thi quốc gia để các trường co đẳng, trung cấp có cơ sở tuyển sinh, lựa chọn đầu vào.


Ông Nguyễn Hồng Minh thừa nhận việc tuyển sinh đại học chưa căn cứ vào nhu cầu thị trường, chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo của trường, nhu cầu người học, nên cử nhân thất nghiệp lớn.Do đó, các trường cao đẳng, trung cấp phải đổi mới nội dung dạy học theo nhu cầu của thị trường lao động, nhất là việc liên kết với doanh nghiệp từ việc xây dựng nội dung, thực hành và đầu ra. “Có như vậy, các trường cao đẳng, trung cấp mới cạnh tranh được với hệ đại học”, ông Minh cho biết.


Bên cạnh đó, Tổng cục Dạy nghề sẽ có hướng dẫn cụ hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó có chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách nội trú đối với người học nghề… Với những ngành đặc thù, như đào tạo năng khiếu âm nhạc, hội họa, y dược, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cam kết sẽ làm việc với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để từ đó có những hướng dẫn cụ thể.


Riêng với vấn đề liên thông lên Đại học vẫn chưa có đang gây khó khăn cho tư vấn tuyển sinh, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Theo biên bản bàn giao giữa 2 Bộ LĐTBXH và GD&ĐT cũng đã xác định việc học liên thông lên bậc cao hơn với đối tượng thuộc ngành cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp vẫn thực hiện như quy định của Bộ GD&ĐT hiện hành. Bộ Giáo dục đào tạo (chủ trì) và Bộ LĐTBXH đang nhau cùng xây dựng quy định liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên đại học và trình Chính phủ ban hành trong quý II/2017. Khi cơ chế hình thành, quyền lợi của người tham gia học sẽ được đảm bảo hơn".


“Tính từ năm 2017, phải sau 2-3 năm nữa mới có người tốt nghiệp hệ trung cấp và cao đẳng theo chương trình giáo dục nghề nghiệp mới. Khi đó, những quy định liên thông do 2 Bộ đang xây dựng mới được áp dụng”, ông Minh cho biết.


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Hạn chế trong dạy nghề cho lao động vùng cao
Hạn chế trong dạy nghề cho lao động vùng cao

Học nghề xong đành "bỏ xó", quay về làm nông. Được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cho con giống, nhưng rồi không có sự đầu tư về sau, nên chỉ vài tháng lại "đâu hoàn đấy". Đó là thực trạng triển khai Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN