Học đúng tuyến cũng lo không còn chỗ
Công tác quy hoạch đô thị chưa song hành với quy hoạch trường lớp là vấn đề được nhiều nhà quản lý giáo dục đưa ra trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay.
Từ những năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chủ trương "3 giảm": Sĩ số học sinh/lớp, số lớp ở những trường có quy mô quá lớn, số học sinh học trái tuyến. Đến nay, theo đánh giá của ngành giáo dục Thủ đô, chủ trương này đã tạo nên những bước cải thiện đáng kể về chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho hay, thành phố vẫn luôn đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh tiểu học và THCS với tỷ lệ trung bình chỉ khoảng trên dưới 40 học sinh/lớp. Nhưng do mật độ dân cư và sự khác nhau về quy mô của từng trường nên tỷ lệ này không đồng đều. Mặt khác, nhu cầu của cha mẹ học sinh đa dạng khiến cho việc tuyển sinh không chỉ là áp lực cho phụ huynh mà cho cả ngành giáo dục và các cấp quản lý.
Ví dụ như ở quận Đống Đa, hiện nay đã có hàng loạt các khu chung cư cao tầng vừa hoàn thành và đã đưa vào sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc dân ở ở khu vực này sẽ tăng. Tuy nhiên, số lượng trường học vẫn giữ nguyên. Vì vậy tình trạng thiếu trường lớp lại càng lên mức báo động. Đại diện ban giám hiệu trường tiểu học Nam Thành Công chia sẻ, việc tăng số lượng học sinh học đúng tuyến đã được trường triển khai từ hai năm trước. Do số lượng học sinh đăng ký vào trường đông lại đáp ứng đủ những điều kiện của ngành giáo dục nên để đủ chỗ học, trường phải sử dụng cả những phòng chức năng để mở lớp.
Tại khu tập thể Kim Liên cũ sau khi được đập đi xây mới và đưa vào sử dụng, số lượng trẻ trong độ tuổi đến trường cũng tăng vọt. Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa cho biết, năm học 2010 – 2011 số trẻ vào lớp 1 lên tới gần 550 em, tăng hơn 2 lần so với năm ngoái (năm học 2009 – 2010 là 250 em). Học sinh học đúng tuyến vào một số trường tiểu học tăng vọt đều nằm trong các khu vực nội thành và khu đô thị mới.
Trong một trao đổi về hiện tượng quá tải đầu vào lớp Một diễn ra từ một vài năm trở lại đây, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chỉ ra việc quá tải đầu vào này nguyên nhân một phần là bất hợp lý trong việc quy hoạch đô thị. Việc xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân ở thành phố nhưng lại không tính đến việc xây dựng trường lớp sẽ dẫn đến những bức xúc trong xã hội mà chính những người dân sẽ phải gánh chịu. Thiết nghĩ, công tác quy hoạch đô thị cũng nên tính đến các vấn đề khác như xây dựng trường học để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Quy định của Sở GD - ĐT Hà Nội về tuyển sinh đầu cấp: Các trường chỉ được phép tuyển sinh từ ngày 1/7 đến ngày 15/7. Sau ngày 15/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao phải báo cáo với Phòng GD - ĐT và căn cứ vào tình hình cụ thể UBND quận huyện, Phòng GD - ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu từ ngày 17/7 đến ngày 20/7. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD - ĐT Hà Nội cho hay, Sở đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các trường phải đảm bảo thực hiện quy chế công khai theo quy định tại Thông tư 09 của Bộ GD - ĐT để xã hội cùng giám sát công tác này. Theo phân cấp, các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc quận huyện, thị xã quản lý và vì thế việc kiểm tra công tác tuyển sinh hàng năm do các địa phương thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, trong 2 năm 2009 và 2010, thành phố đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng cho ngành giáo dục để xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4, và xuống cấp. Ngoài ra, thành phố còn chi hàng trăm tỷ đồng cho chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chương trình chiếu sáng học đường, xây nhà vệ sinh, mua sắm rất nhiều trang thiết bị khác nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất... Những động thái này nhằm cải thiện chất lượng dạy và học của các trường và tạo cơ hội công bằng cho học sinh giữa các trường khác nhau, góp phần giảm sức ép của "trường điểm".
|