Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 kéo dài trong thấp thỏm

Chưa năm nào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) lại kéo dài tới hơn 3 tháng như năm nay. Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, đặc biệt là khối ngoài công lập khắc khoải chờ thí sinh khi mà ngay chính trường công lập cũng đang phải tuyển sinh đợt 3, đợt 4.

 

Vẫn còn hàng nghìn chỉ tiêu công lập


Mọi năm, đến đầu tháng 10, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ đã dần đến hồi kết. Năm nay, sắp bước vào tháng 11, thí sinh vẫn có thể ung dung lựa chọn với hàng nghìn chỉ tiêu mới được bổ sung của các trường công lập. Mới đây nhất, ngày 27/10, trường ĐH Tiền Giang vừa công bố xét tuyển 1.553 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung các ngành ĐH và CĐ năm 2012. Điểm xét tuyển của nhà trường đã cộng điểm ưu tiên có thể dưới điểm sàn ĐH, CĐ không quá 1 điểm (theo quy định mới).


 

Tân sinh viên trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đóng học phí nhập học.

 

Cuối tháng 10/2012, ĐH Huế cũng công bố tới 741 chỉ tiêu bổ sung nhưng số hồ sơ nhận được đến thời điểm này vẫn tính ở hàng chục. Theo đó, nhiều khả năng trường này sẽ phải tạm ngưng đào tạo nhiều ngành như: Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Địa lý tự nhiên do rất ít thí sinh theo học. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo xét tuyển chỉ tiêu bổ sung với con số lên đến hàng nghìn. Theo đó, có tới 20 ngành gồm cả những ngành “hot” như: kế toán tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế... cả bậc ĐH lẫn CĐ sẽ dành 1.450 chỉ tiêu cho thí sinh đạt điểm sàn trở lên.

 

Trường ngoài công lập khắc khoải mong thí sinh


Trong lúc các trường công lập vẫn đang tuyển sinh thì việc các trường ngoài công lập phải bỏ trống nhiều chỉ tiêu là lẽ tất nhiên. Hiệu trưởng trường ĐH Yersin Đà Lạt, Phạm Bá Dong cho biết, đến thời điểm này, trường vẫn còn 700 chỉ tiêu, trong đó các ngành Tin học, Ngoại ngữ, Môi trường, Sinh học gần như không tuyển sinh được. ĐH Dân lập Phương Đông với 2.400 chỉ tiêu được giao năm nay nhưng mới chỉ đạt 50%. ĐH Quốc tế Bắc Hà còn 500 chỉ tiêu chờ thí sinh. ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Phan Chu Trinh, ĐH Võ Trường Toản... đều trong tình trạng nằm chờ cho đến hết thời hạn tuyển sinh vào cuối tháng 11 tới với rất ít hy vọng có thêm được thí sinh nhập học.


“Đến thời điểm này vẫn chưa biết thế nào về khả năng hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Đây là bức tranh tuyển sinh chung của nhiều trường ngoài công lập chứ không riêng gì trường mình. Hiện các ngành kế toán, tài chính, ngân hàng còn tuyển được tương đối nhưng khó khăn rơi vào các ngành kỹ thuật. Trường vẫn đang trông chờ đến hết 30/11”, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết.


Trước những cải tiến của kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường ngoài công lập đang tỏ ra thất vọng. “Việc kéo dài thời hạn tuyển sinh khiến sinh viên trúng tuyển vẫn cứ ngập ngừng vào rồi lại xin rút hồ sơ vì trông đợi vào những ngành nghề hấp dẫn hơn của trường khác. Điều này gây tỷ lệ hồ sơ ảo lớn và sự bất ổn định cho các trường” - ông Nghị khẳng định. Cũng theo các chuyên gia tuyển sinh, việc không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn nguyện vọng trước khiến các trường công lập “hớt” hết thí sinh của các trường ngoài công lập vốn trông chờ vào phân khúc thí sinh có điểm trúng tuyển thấp hơn so với điểm trúng tuyển tuyển nguyện vọng 1 các trường công lập.

 

Đóng cửa ngành hết “hot”


Trước tình trạng “ế ẩm” của nhiều trường ĐH, CĐ trong mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, một phần nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn nên thí sinh và gia đình không muốn vào học những ngành mà sau này cảm thấy khó tìm được việc. Theo phân tích của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đa số các trường hợp không tuyển được đều rơi vào ngành kinh tế quản lý: “Với ngay cả trường đào tạo về kinh tế quản lý được coi là đầu đàn của cả nước là ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng, hàng năm chỉ gọi NV1 là dư ngay lập tức, nhưng năm nay chỉ đạt được 75 - 85%. Chứng tỏ khối kinh tế quản lý hiện nay không còn sức hút mạnh nữa”. Khó khăn tuyển sinh nằm ở cả những trường công lập có uy tín thì những trường mới thành lập hoặc các trường ngoài công lập với xu hướng đào tạo chính là các ngành thuộc khối kinh tế rõ ràng còn khó khăn hơn.


Về vấn đề này, ông Trần Hữu Nghị cho rằng, điều chỉnh mở ngành với định hướng nguồn nhân lực là ở tầm vĩ mô và thuộc trách nhiệm của Bộ chứ các trường không thể tự điều chỉnh. Cũng chính vì thiếu định hướng nên hiện nhiều trường rơi vào tình trạng một số ngành chỉ tuyển được 10 - 15 sinh viên nhưng vẫn phải duy trì đào tạo, dẫn đến khó khăn lớn cho các trường ngoài công lập. “Nếu đóng cửa ngành học thì phải hủy hợp đồng với những giảng viên ngành này. Tuy nhiên nếu mấy năm nữa lại tiếp tục tuyển sinh ngành này thì việc mở lại sẽ rất khó khăn, tốn kém....”, ông Trần Hữu Nghị phân tích. Sự sắp xếp lại các ngành nghề, cơ sở đào tạo đại học là cần thiết, tuy nhiên làm sao để hạn chế thấp nhất phí tổn của xã hội cũng là vấn đề Bộ GD-ĐT cần đặt ra với vai trò quản lý của mình khi mùa tuyển sinh năm nay được đánh giá là một bước lùi với nhiều trường ĐH, CĐ.

 

Duy Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN