Đánh giá về kiểm soát tải trọng xe, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho hay, thời gian qua, lực lượng thanh tra ngành giao thông vận tải đã tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện còn phức tạp, đặc biệt là vi phạm về xếp hàng hóa trên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá như: Nhà máy sản xuất, mỏ vật liệu, cảng hàng hải, cảng, bến thủy nội địa. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự, an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, Thanh tra Bộ yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra tải trọng phương tiện; trong đó tập trung kiểm tra về xếp hàng hoá trên xe ô tô theo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ngay tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá, đặc biệt là các nhà máy sản xuất hàng hoá, mỏ vật liệu và cảng hàng hải, cảng, bến thủy nội địa có nhiều phương tiện vận tải đường bộ tải trọng lớn vào bốc xếp hàng hóa.
"Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính về xếp hàng, tải trọng phương tiện, các lực lượng chức năng tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập chứng cứ, xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính về cơi nới thành thùng xe tải tự đổ. Việc sử dụng, bảo quản và xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021 của Chính phủ", Thanh tra Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Liên quan đến việc xử lý xe chở quá tải trọng, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, sau nhiều năm kiểm soát, xử lý vi phạm, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%. Tuy nhiên, gần đây xe quá tải bắt đầu tái diễn, xuất hiện nhiều trên các đoạn quốc lộ, đường bộ địa phương, một số đoạn đường cao tốc, khu vực có công trình xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên phạm vi toàn quốc; Nghiên cứu, thiết kế phần mềm kiểm tra tải trọng xe tự động. Kết quả thu được đối với những xe vi phạm làm căn cứ để xác định và xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức “phạt nguội”. Sau 6 tháng thử nghiệm, hiệu quả đạt được lớn nhất là số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm đáng kể. Cùng với đó số xe vi phạm theo ngày cũng giảm mạnh.
Dữ liệu các xe vi phạm được truyền về phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị quản lý, vận hành trích xuất và chuyển kết quả cân đối với những xe vi phạm cho lực lượng chức năng “phạt nguội”.
“Khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đề án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ ưu tiên lắp hệ thống cân tự động trên các đường cao tốc, các đoạn quốc lộ có nhiều xe tải lưu thông và các đoạn đường bộ nối khu vực cảng, kho bãi, mỏ vật liệu, mỏ quặng. Khi hệ thống đi vào hoạt động sẽ kiểm soát bền vững xe quá tải", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.