Lý do khiến nhiều người tiêu dùng ngại vay vốn ngân hàng vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tín dụng đen luôn chủ động tìm khách hàng. Mức tăng trưởng tín dụng cho vay tiêu dùng hiện ở mức 14%, có thể đến 20 - 25%, do nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng gia tăng.
Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng đang góp phần thúc đẩy thị trường, đóng góp vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này lớn, bởi các khoản vay thường là tín chấp hoặc có tài sản bảo đảm giá trị thấp, chưa kể đến nợ xấu.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng: Thay vì yêu cầu các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng như dự thảo trước đó, thì Thông tư 18/NHNN đã đưa ra lộ trình dài hơi và “cởi mở” hơn.
Theo đó năm 2021, tỷ lệ tối đa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tại một công ty tài chính là 70%; năm 2022 tối đa là 60%; năm 2023 tối đa là 50% và từ đầu năm 2024 là 30%.
Nếu áp dụng vào thực tế, quy định này tháo gỡ khó khăn cho các công ty tài chính có tỷ trọng giải ngân tiền mặt lớn. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI: Hiện FE Credit là công ty tài chính có tỷ trọng cho vay tiền mặt lớn nhất trên thị trường hiện nay, ở mức 76%; 24% còn lại là dành cho các khoản cho vay mua xe, mua điện thoại và cho vay thẻ tín dụng. Trong khi, HDSaison và MCredit có tỷ lệ cho vay tiền mặt thấp hơn, song vẫn khá cao. Tính đến cuối tháng 9/2019, tỷ lệ cho vay tiền mặt của HDSaison ở mức 33%; trong khi MCredit có tỷ lệ này ở mức 70%…
Không chỉ vậy, Thông tư 18/NHNN “mở cửa” cho các công ty tài chính được giải ngân trực tiếp các khoản vay dưới 20 triệu đồng sẽ giúp cho các công ty tài chính đẩy mạnh hoạt động tại các vùng nông thôn với nhiều món vay tiêu dùng nhỏ lẻ, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Để đảm bảo quyền lợi cho người vay, Thông tư 18/NHNN cũng bổ sung nhiều quy định mới như: Các công ty tài chính thu hồi và nhắc khách hàng trả nợ phải phù hợp với đặc thù từng khách hàng; bên thu hồi nợ không được đe dọa khi thu hồi nợ; mỗi ngày chỉ được nhắc nợ không quá 5 lần, nhưng chỉ được nhắc nợ sau 7 giờ và không quá 21giờ trong ngày; cấm bên đòi nợ gửi thông tin khách hàng có nợ đến tổ chức hoặc cá nhân không có nghĩa vụ nợ và công ty tài chính phải bảo mật thông tin khách hàng vay vốn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách cho vay tiêu dùng trong ngành, đặc biệt là các công ty tài chính để đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng. NHNN cũng tạo điều kiện để các công ty tài chính là một kênh chính thức hỗ trợ vốn với lãi suất hợp lý phục vụ đời sống nhân dân. Khi người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng chính thức thì tín dụng đen sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, việc mở cửa cho vay tiêu dùng không có nghĩa là dễ dãi, bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phải đảm bảo nguyên tắc quản trị rủi ro, nhất là đối với những người dân không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), từ đầu năm 2019, để mở rộng các hình thức cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: Khảo sát tại một số địa phương để nắm bắt nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng của người dân; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, nhằm hạn chế tín dụng đen…
“Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an kiểm soát chặt, xử lý nghiêm nạn tín dụng đen là nhiệm vụ trọng tâm. Lực lượng công an đã vào cuộc quyết liệt, khởi tố nhiều vụ án, đã có nhiều địa phương làm tốt việc này như: Thanh Hóa, Đăk Nông, Gia Lai, Cần Thơ... Để giải quyết dứt điểm nạn tín dụng đen, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an, NHNN, các bộ ngành và địa phương. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của nhân dân trong đấu tranh tố giác tội phạm”, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam nói.