Theo đại diện ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, vào đầu mỗi mùa hè, nhiều chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn được các cấp, ngành, địa phương triển khai. Tuy nhiên, do nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, nhất là ở các địa phương miền núi có nhiều khe, suối, hồ thủy điện, việc phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em gần như trở thành một "nhiệm vụ bất khả thi".
Mới đây nhất, khoảng 14 giờ ngày 25/5, nhóm 6 học sinh Trường Trung học cơ sở Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) rủ nhau đi tắm suối Ngòi San trên địa bàn huyện Bát Xát và hậu quả là 4 em tử vong do đuối nước. Theo lãnh đạo địa phương này, hôm đó là buổi học cuối cùng của năm học, buổi chiều các em được nghỉ nên rủ nhau ra suối tắm và dẫn tới vụ tai nạn thương tâm trên. Đây là bài học hết sức đau xót trong công tác quản lý học sinh những ngày hè. Vụ tai nạn đuối nước cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục của gia đình và nhà trường còn nhiều hạn chế, nếu không kịp thời rút kinh nghiệm thì những vụ tai nạn tương tự sẽ còn xảy ra.
Theo tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, đuối nước luôn là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong số tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn những năm qua. Năm 2017, Lào Cai có 1.265/226.530 trẻ em bị tai nạn thương tích. Số trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích là 20 trẻ, trong đó 17 trẻ bị đuối nước. Năm 2018, tổng số trẻ Lào Cai bị tai nạn thương tích giảm nhẹ so với năm trước là 1.222/228.125 trẻ. Tuy vậy, số trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích tăng cao với 31 trường hợp, trong đó 23 trẻ tử vong do đuối nước, còn lại là do các nguyên nhân đến từ thiên tai, điện giật, tai nạn giao thông...
Riêng 5 tháng đầu năm 2019, Lào Cai có 412 trẻ bị tai nạn thương tích (giảm 47 trẻ so với cùng kỳ năm 2018), trong đó 9 trẻ tử vong đều cùng nguyên nhân bị đuối nước (tương đương cùng kỳ năm trước). Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước. Nhiều trẻ em thiếu không gian vui chơi, lại vào thời điểm nghỉ hè dẫn đến việc các em ra sông, suối để vui chơi, tắm mát.
Thực tế tại địa phương cho thấy số trẻ em tử vong do đuối nước tại nhà gần tương đương với tại cộng đồng. Cụ thể, năm 2018, trong số 23 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước thì có 11 trẻ tử vong tại nhà và 12 trẻ tử vong tại cộng đồng. Thực trạng này khiến nhiều người băn khoăn với câu hỏi, phải chăng đuối nước là một trong những tai nạn khó có thể phòng tránh được, hay chính sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người lớn là một phần tác nhân đẩy con em mình đến gần với nguy hiểm chết người.
Để tăng cường công tác phòng tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em, mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai vừa ban hành kế hoạch thực hiện các hoạt động của Dự án "Hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Lào Cai năm 2019" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức vận động chính sách toàn cầu Hoa Kỳ thực hiện. Là một trong 8 tỉnh được chọn triển khai dự án, Lào Cai có 15 xã, thị trấn thuộc các huyện Bắc Hà, Bảo Yên và thành phố Lào Cai được hưởng lợi từ dự án. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em thông qua triển khai các chương trình can thiệp hiệu quả và bền vững, góp phần giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em.
Dự án được chia làm 3 hợp phần: Nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ dưới 5 tuổi; tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi. Dự án hướng tới mục tiêu cụ thể là: Ít nhất 400 trẻ em từ 6 - 15 tuổi vùng dự án biết bơi; 2.700 trẻ em được tập huấn kiến thức về phòng, chống đuối nước; 100% cha mẹ, người chăm sóc trẻ được cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; 90% giáo viên, người chăm sóc trẻ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi; 90% giáo viên, hướng dẫn viên, cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ được tập huấn, cung cấp kỹ năng an toàn trong môi trường nước...
Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản chỉ đạo cụ thể về tổ chức quản lý học sinh trong dịp hè và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2019 – 2020. Một trong những nội dung quan trọng nhất của văn bản này là yêu cầu các địa phương, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em, trọng tâm là phòng tránh đuối nước, xâm hại và bạo lực trẻ em. Ngành giáo dục của tỉnh đã có hướng dẫn bàn giao học sinh về sinh hoạt hè 2019 tại các địa phương, trong đó tiếp tục nhấn mạnh, lưu ý các đơn vị triển khai biện pháp tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh...
Với các văn bản chỉ đạo, định hướng và nhiều giải pháp đã được đưa ra, có thể thấy tỉnh Lào Cai đã có sự "quan tâm" đến phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, nhưng xem ra kết quả không được như mong đợi. Tai nạn vẫn xảy ra và không ai có thể khẳng định nó sẽ không xảy ra nữa nếu công tác tuyên truyền, giáo dục không đổi mới để có hiệu quả hơn trong việc nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ trẻ em. Việc cần nhất lúc này là chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý các công trình chứa nước trên địa bàn, thực hiện lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em. Cùng với đó, các gia đình cũng cần quản lý tốt con em trong dịp hè để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.