Các bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk G’Long. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Hiện sức khỏe các nạn nhân đã tương đối ổn định nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi, điều trị tại Bệnh viện.
Trước đó, tối 1/3, Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk G’Long tiếp nhận 17 trường hợp học sinh cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm. Sáng 2/3 tiếp tục có thêm 13 em nhập viện với các triệu chứng tương tự. Khai thác bệnh sử, các bác sỹ nhận thấy tất cả các trường hợp nhập viện đều ăn cơm chiều lúc 17 giờ ngày 1/3. Các bệnh nhân đều có triệu chứng chung: mệt mỏi, sốt, đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng dạ dày- ruột cấp, tập trung theo dõi ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Lê Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Đắk G’Long, 30 trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nêu trên đều là học sinh của trường, trong đó nhiều nhất là học sinh lớp 6. Ngày 1/3, sau khi ăn cơm chiều, nhiều em có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Nhà trường đã đưa các em vào viện để được can thiệp, chữa trị kịp.
Bữa cơm chiều bao gồm cơm trắng, canh lá bép đọt mây nấu cá hộp và cá nục hấp, chả cá chiên sẵn sốt cà chua. Tổng cộng có 179 học sinh ăn cơm chiều, trong đó có 30 em nhập viện nghi sau khi đau bụng, nôn ói. Ông Lê Văn Hà khẳng định, Nhà trường làm đúng, làm đủ các quy định pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ nguồn gốc thực phẩm đến khâu chế biến, bảo quản theo quy định.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk G’Long, sau khi tiếp nhận các học sinh, bệnh viện đã tiến hành việc cấp cứu, chữa trị với phác đồ kháng sinh, bù nước điện giải để tăng cường đào thải chất độc, bảo vệ niêm mạc dạ dày, ruột, men tiêu hóa. Hiện các bệnh nhân đã tương đối ổn định sức khỏe, đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phối hợp với huyện Đắk G’Long điều tra làm rõ.