Dự báo đến 11 giờ ngày 7/9, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 20mm đến 30mm.
Đợt mưa này gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành từ 0,1m đến 0,3m; đặc biệt tại các tuyến phố Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Thái Hà, Láng, Nguyễn Khuyến, Trần Quý Cáp (quận Đống Đa); Trường Chinh, Quan Nhân, Cự Lộc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Triều Khúc (quận Thanh Xuân); Hoàng Như Tiếp, Ngọc Lâm (quận Long Biên); Mạc Thị Bưởi, Vân Hồ... (quận Hai Bà Trưng); Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Nguyễn Hữu Huân, Đường Thành - Bát Đàn... (quận Hoàn Kiếm); Đội Cấn, Trấn Vũ, Chu Văn An, Ngọc Hà, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương... (quận Ba Đình); phố Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế... (quận Bắc Từ Liêm).
Từ 2 - 8 giờ ngày 7/9, khu vực Bắc Bộ đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to như La Hiên (Thái Nguyên) - 112mm, Sơn Nam (Tuyên Quang) - 101mm, Chi Lăng (Lạng Sơn) - 62mm, Chiềng Khay (Sơn La) - 73mm...
Dự báo, đến 14 giờ ngày 7/9, các tỉnh ở Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30 - 50mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.