Chưa yên tâm về chất lượng bữa ăn bán trú
Hiện nay, tỷ lệ học sinh các cấp học trên địa bàn Hà Nội đăng ký ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Nhiều trường học đã đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn bảo đảm đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập tổ giám sát nhập thực phẩm, suất ăn có sự tham gia của phụ huynh học sinh… Mặc dù vậy, một số sự cố đáng tiếc liên quan đến suất ăn trong trường học vẫn xảy ra.
Mới đây, vụ việc xuất hiện sinh vật sống trong bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội) đã khiến nhiều người dân thực sự lo lắng. Theo giải thích từ đơn vị cung cấp suất ăn, có thể do thùng xe vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau nên trước khi vận chuyển suất ăn cho trường, thùng đựng thức ăn chưa được vệ sinh sạch sẽ, nắp thùng đựng cơm bị vỡ... Mặc dù sự việc được phát hiện sớm và chưa gây hậu quả, song câu hỏi về quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suất ăn học đường một lần nữa lại được đặt ra.
Trước đó, vào ngày 9 và 10/9/2020, tại Trường Tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội), sự cố trong bữa ăn trưa đã xảy ra khiến hàng chục học sinh bị ngộ độc và nhiều học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn mửa, chóng mặt... Nguyên nhân của sự cố an toàn thực phẩm này bước đầu được cơ quan y tế xác định là do nhiễm vi sinh. Qua kiểm tra hồ sơ pháp lý, đơn vị cung cấp xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh theo ngành nghề được cấp phép. Song qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện nhà kho của hộ kinh doanh này gần nhà vệ sinh, khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng, nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được xét nghiệm định kỳ theo quy định.
Các vụ việc như trên chỉ là số ít song đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Có hai con cùng đăng ký ăn bán trú tại trường vào buổi trưa, chị Vũ Minh Nguyệt (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, mặc dù được nhà trường giới thiệu đầy đủ thông tin của nhà cung cấp thực phẩm, được cùng tham gia nhập thực phẩm vào buổi sáng cùng Ban Giám hiệu nhà trường nhưng chị vẫn cảm thấy chưa yên tâm về bữa ăn của các con tại trường.
"Phụ huynh cũng khó có thể kiểm soát được triệt để và thường xuyên về chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn của nhà trường bởi việc kiểm tra cũng chỉ là cảm quan. Chỉ mong nhà trường và nhà cung cấp thực phẩm, bếp ăn chế biến đặt sức khỏe của học sinh lên trên hết, có như thế phụ huynh chúng tôi mới yên tâm khi con ở trường mỗi ngày", chị Nguyệt chia sẻ.
Chị Trần Thị Bình (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chọn giải pháp kiên trì đưa đón con mỗi ngày để con được ăn cơm ở nhà. Chị Bình cho biết, một phần là gia đình có điều kiện đưa đón con, phần khác là chị không thực sự yên tâm khi cho con ăn trưa ở trường.
Kiểm soát chặt nguyên liệu thực phẩm đầu vào
Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội có gần 2.200 bếp ăn trường học. Do đó, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn bán trú luôn được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các nhà trường đặc biệt quan tâm.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn xác định việc bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó có an toàn bữa ăn bán trú. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc tổ chức bữa ăn cho học sinh tại các trường học, trong đó có việc thực hiện quy trình cung ứng thực phẩm. Sở Giáo dục và Đào tạo xác định, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm trong kiểm soát quy trình nhập thực phẩm. Nếu đơn vị nào để xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội), để phục vụ cho hơn 1.000 học sinh ăn bán trú, nhà trường đã cẩn thận lựa chọn nhà cung cấp, sản xuất thực phẩm theo chuỗi an toàn, có uy tín. Không chỉ dựa trên các văn bản, giấy chứng nhận kiểm định an toàn thực phẩm do các cơ quan chức năng cấp, Ban giám hiệu và Ban phụ huynh trường còn đi kiểm tra tận nơi sản xuất, chế biến thực phẩm.
"Vài năm gần đây, nhà trường nhập thực phẩm từ Công ty Cổ phần du lịch và thực phẩm Sao Việt và thấy chất lượng luôn ổn định. Nhà trường còn liên tục họp chốt thực đơn, chạy phần mềm dinh dưỡng theo tư vấn của nhà cung cấp, nhưng quan trọng nhất chính là đánh giá, nhận xét của học sinh và phụ huynh học sinh. Nếu có món ăn học sinh bỏ thừa nhiều, nhà trường sẽ điều chỉnh ngay nhưng vẫn phải cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe của học sinh", bà Nguyễn Thị Liễu chia sẻ.
Khâu tiếp nhận thực phẩm vào mỗi buổi sáng cũng được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Gia Quất (quận Long Biên, Hà Nội) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Thành phần trong Ban kiểm soát luôn có phụ huynh học sinh tham gia cùng, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm được nhà trường thực hiện thường xuyên, có những điều kiện ràng buộc rõ ràng với nhà cung cấp thực phẩm.
"Ban giám hiệu và các giáo viên luôn quan sát, tìm hiểu tâm tư của học sinh và phản ánh của phụ huynh về chất lượng bữa ăn học đường để có điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh việc dạy kiến thức, chăm lo sức khỏe học sinh cũng là việc quan trọng không kém", bà Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Quất cho biết.
Để có bữa ăn học đường vừa an toàn vừa đủ dinh dưỡng, trách nhiệm chính là từ các nhà trường. Vì vậy, không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất bếp ăn, nhà ăn bán trú mà các trường cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình của bếp ăn bán trú hoặc tiếp nhận suất ăn từ bên ngoài. Trong đó, các trường cần lựa chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng, đủ cơ sở pháp lý, đáng tin cậy để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm hoặc suất ăn ngay từ đầu vào... Các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn sẵn cũng cần làm việc có trách nhiệm, đặt đạo đức kinh doanh lên trên hết, hướng đến lợi ích chung vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.