Cụ thể, lúc 7 giờ ngày 20/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Ngày và đêm 20/7, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 7 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Sau đó, hình thái này giữ nguyên vận tốc nhưng đổi hướng, đi chếch theo hướng tây, mỗi giờ đi được từ 5-10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Như vậy, bão số 3 khả năng quần thảo trên đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trong một ngày rồi mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng 23/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất cấp 7.
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trên đất liền, ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với bão số 3, kết hợp với hội tụ gió, mưa lớn đã xảy ra tại một số nơi với lượng phổ biến trên 50 mm. Mưa tập trung ở Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn.
Ngày và đêm 20/7, các tỉnh Tây Bắc Bộ tiếp diễn mưa lớn với lượng phổ biến 50-100 mm/ngày, có nơi trên 150 mm. Phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm. Một số khu vực miền núi đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở.
Ngoài ra, ảnh hưởng của gió Tây Nam, chiều và đêm 20/7, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ mưa lớn với lượng phổ biến 30-50 mm, có nơi trên 80 mm. Người dân đề phòng nguy cơ lốc, sét và gió giật mạnh.