Cùng với đó, sẽ có 2 kịch bản xảy ra đối với bão số 6
Kịch bản thứ nhất: Khi bão vào khu vực Hoàng Sa sẽ di chuyển chậm lại, cường độ yếu dần và do không khí lạnh ở phía Bắc di chuyển vào phía Nam khiến cho bão suy yếu và bị đẩy xuống phía Nam với cường độ bão khoảng cấp 7-8. Bão có xu hướng di chuyển ra phía ngoài và duy trì tương đối lâu trong thời gian tới dẫn đến tình trạng khu vực giữa và Nam Biển Đông hình thành một dải hội tụ nhiệt đới gây mưa kéo dài cho khu vực Trung Bộ. Khả năng này xảy ra khoảng 60%.
Khả năng thứ 2: Khi bão vào khu vực Hoàng Sa, tương tác với không khí lạnh, bão sẽ suy yếu. Tuy nhiên, bão sẽ di chuyển vào bờ và suy yếu trên đất liền nước ta. Khả năng xảy ra kịch bản này khoảng 30%.
Đề cập đến tình hình mưa do ảnh hưởng của bão, ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, từ khoảng chiều tối 26/10, khu vực Hà Tĩnh - Quảng Ngãi sẽ xuất hiện mưa vừa, mưa to đến rất to, trong đó trọng tâm mưa là các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với lượng mưa phổ biến từ 300-500mm trong vòng 3 ngày. Với diễn biến mưa như trên nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trong khi đó Đà Nẵng đã từng xảy ra ngập úng đô thị do lượng mưa từ 400-500mm/ngày và trong đợt mưa này không loại trừ khả năng này.
Để chủ động ứng phó với bão số 6, ông Hoàng Phúc Lâm khuyến cáo các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền, ngư dân, chính quyền các địa phương chịu ảnh hưởng bão số 6 cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo mới nhất về bão trên trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để đảm bảo an toàn về người, tài sản trên đất liền và trên biển.