Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao việc kiểm soát dịch bệnh lợn châu Phi trên địa bàn và yêu cầu các ngành chức năng của Bến Tre cần quyết liệt hơn trong kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh từ nơi khác lây lan đến địa phương.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị các ngành địa phương vận động người dân không phát tán mầm bệnh từ bênh ngoài vào và xử lý triệt để lợn bệnh khi có dịch xảy ra. Không giấu dịch, không để dân bán chạy lợn bệnh và thực hiện chôn lấp tại chỗ, hạn chế tối đa vận chuyển đi nơi khác chôn lấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập, cho biết, Bến Tre đang tập trung quyết liệt việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; trong đó, đã triển khai Chỉ thị 34 – CT/TW của Ban Bí thư nhằm quán triệt cho cán bộ, đảng viên và đến tận chi bộ để các đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân.
Song song với đó, tỉnh cũng triển khai các giải pháp với các nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng khắp trong dân để chủ động phòng dịch; các ngành, địa phương có giải pháp ứng phó theo từng cấp độ. Các xã đã xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó, xử lý; đồng thời khẩn trương rà soát các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Ngành thú y tăng cường kiểm tra, giám sát, không để lợn bệnh được giết mổ, tiêu thụ. Tại các chốt kiểm soát thực hiện tốt việc phun xịt hóa chất đối với các xe chở lợn ra, vào tỉnh nhằm phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, tổng đàn lợn của toàn tỉnh có khoảng 536.000 con, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm.
Trước nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi, Bến Tre đã chỉ đạo các ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Tính từ đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 5, tỉnh Bến Tre triển khai 8 chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn và đã kiểm soát 266 xe nhập tỉnh, 5.636 xe xuất tỉnh. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý hai trường hợp vận chuyển không đăng ký kiểm dịch tại chốt Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam) và chốt Phú Phụng (huyện Chợ Lách).
Cùng với đó, việc tập huấn, tuyên truyền cũng được địa phương chú trọng để người chăn nuôi nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng ngừa và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng dịch. Đặc biệt, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi không phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Tại các huyện trong tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; tổ chức triển khai các hoạt động ngăn chặn và phòng ngừa dịch; thành lập các tổ tiêu hủy, tiêu độc, tổ kiểm soát vận chuyển, dự phòng các phương tiện, dụng cụ chôn hủy lợn. Một số địa phương chuẩn bị đất để chôn lợn nếu dịch xảy ra.
Tỉnh cũng tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; tăng cường quản lý các lán, trại trung chuyển lợn cũng như các cơ sở giết mổ; tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh. Mặt khác, tổ chức cho 24 bến đò ngang cam kết không được vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm lợn từ các tỉnh giáp ranh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.