Bệnh viện ở Đồng Nai 'cạn' nguồn dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Từ vài tháng nay, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai buộc phải hoạt động cầm chừng do hết nguồn dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người bệnh.

Hằng năm, Đồng Nai thực hiện giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào tháng 4, nhưng các cơ sở y tế đã thực hiện chi từ tháng 1. Do đó, các đơn vị khó có thể chủ động thực hiện điều tiết cân đối kinh phí ngay từ những tháng đầu năm. Thêm vào đó, khi được giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, các đơn vị phải dùng để trả các khoản nợ vượt dự toán của những năm trước, gây ra tình trạng số tiền vượt dự toán ngày càng lớn, các đơn vị không đủ để chi cho những tháng cuối năm.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ tháng 8/2019 trên địa bàn tỉnh bắt đầu xảy ra tình trạng một số cơ sở y tế công lập sử dụng hết dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đến hết tháng 12/2019, tình trạng này diễn ra đáng báo động ở hầu hết các cơ sở y tế trong tỉnh.

Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (thành phố Long Khánh, Đồng Nai) tình trạng hết quỹ bảo hiểm y tế xảy ra từ tháng 10/2019. Nguyên nhân là do năm 2019 Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh triển khai được 27 kỹ thuật mới, số lượt khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú cũng tăng 20 - 23% so với năm 2018. Bệnh nhân đông nhưng nguồn quỹ giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thấp nên bệnh viện vượt dự toán đến 60 tỷ đồng, gấp đôi năm 2018.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai), năm 2018 Trung tâm chi vượt quỹ 15 tỷ đồng nhưng đến tháng 1/2020 trung tâm vẫn chưa nhận được thanh toán hoặc bất cứ phản hồi nào về số tiền này. Hiện nay, Trung tâm vẫn đang nợ tiền thuốc của các đơn vị cung ứng, số tiền gần 7 tỷ đồng.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phước cho hay, trung tâm đang triển khai nhiều kỹ thuật mới như chạy thận nhân tạo, nhưng tình cảnh này khiến trung tâm càng triển khai kỹ thuật cao càng lỗ. Trung tâm chỉ còn cách hoạt động cầm chừng, chỉ thực hiện những phẫu thuật thật sự cần thiết, còn những phẫu thuật chưa thật sự cần thiết buộc phải cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc chờ khi có dự toán mới thì mới thực hiện hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

Ông P.V.T (46 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, cách đây một tuần, ông đi khám bệnh tại một bệnh viện trong tỉnh Đồng Nai, sau khi được bác sĩ kê đơn thuốc thì ông được yêu cầu ra mua thuốc bên ngoài thay vì mua thuốc và được thanh toán bảo hiểm y tế tại nhà thuốc trong bệnh viện.

Đến tháng 1/2020, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có các bệnh viện lớn như Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất… đều trong tình trạng đã chi vượt dự toán, số tiền vượt quỹ từ những năm trước lên tới hàng trăm tỷ đồng và chưa biết khi nào mới được thanh toán. Lãnh đạo các cơ sở y tế này buộc phải trích các nguồn quỹ dự phòng, nợ tiền thuốc, tiền vật tư y tế… để có thể duy trì hoạt động của bệnh viện cũng như trả lương nhân viên. Đặc biệt, việc hết nguồn dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khiến các cơ sở y tế phải cắt giảm hoạt động khám chữa bệnh, các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu.

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tình trạng hết nguồn dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động trong vài tháng trở lại đây. Các cơ sở y tế không còn nguồn tiền để cung ứng thuốc men, khám chữa bệnh, bệnh viện phải tìm cách cắt bớt các cung ứng cho người bệnh. Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế không vì sức ép dự toán chi mà giảm chất lượng điều trị, ảnh hưởng tới người dân.

Theo ông Lê Quang Trung, trước khó khăn của các cơ sở y tế, Sở Y tế Đồng Nai đã có báo cáo UBND tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh để cùng làm việc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các cơ sở y tế trong thời gian tới.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã gửi thông báo giao bổ sung dự toán cho các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện 176 tỷ đồng để bù vào số tiền vượt quỹ năm 2019 của các bệnh viện. Trong đó, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được giao bổ sung 35 tỷ đồng, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là 20 tỷ đồng… để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Trong khi đó, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn Đồng Nai cho biết đến nay dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 vẫn chưa có.

Lê Xuân (TTXVN)
Chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT tăng cao nhất tại tuyến tỉnh
Chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT tăng cao nhất tại tuyến tỉnh

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) tăng cao nhất tại tuyến tỉnh với mức tăng gần 20%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN