Bi hài chuyện khám nhầm bệnh

Thay vì phải mổ u đường ruột, một bệnh nhân lại được đưa vào mổ u nang buồng trứng. Mổ rồi, bác sĩ mới phát hiện 2 buồng trứng vẫn tốt. Đó là trường hợp chị Huỳnh Thị Lộc (sinh năm 1957), ngụ tại tỉnh Bình Dương.

 Nhầm bệnh, nhầm hồ sơ... chuyện thường

Theo chị Huỳnh Thị Lộc, thấy thường xuyên đau ở bụng dưới nên chị đã đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để khám. Sau khi cho chị đi chụp hình cắt lớp (CT), bác sĩ chẩn đoán chị bị u nang buồng trứng và cho mổ nội soi. Oái ăm thay, khi mổ xong bác sĩ mới phát hiện không phải u nang buồng trứng như chẩn đoán mà là u đường ruột. Để tạ lỗi với bệnh nhân, bệnh viện đã hoàn lại chi phí phẫu thuật và giới thiệu chị Lộc sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhiều bệnh nhân khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trường hợp bị nhầm như chị Lộc không phải là hiếm.

Chị Lê Hằng - ngụ tại quận Gò Vấp, được chẩn đoán bị u nang buồng trứng. Nhưng khi đi làm thủ tục mổ nội soi u nang, chị phát hiện trong hồ sơ của chị bác sĩ ghi nhầm có thai 7 tuần tuổi. Còn chị Trần Bích Liên (ngụ tại quận 2), sau gần 1 tuần nằm theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, chưa chích mũi thuốc nào thì vị bác sĩ thăm bệnh và nhìn hồ sơ bệnh án lại khuyên chị “đã được chích thuốc rồi, nên ít đi lại”. Chị Liên ngạc nhiên. Để khẳng định lời mình nói là đúng, bác sĩ cho chị xem hồ sơ bệnh án ghi là chị đã được chích thuốc. Bức xúc, chị đề nghị làm rõ chuyện này thì té ra là ghi nhầm hồ sơ của một bệnh nhân khác.

Hậu quả khó lường...

Một bệnh nhân là chị Thúy (quê ở Tây Ninh), được chẩn đoán có thai ngoài tử cung. Chị Thúy chọn chích thuốc điều trị chứ không mổ nội soi. Tuy nhiên, sau gần 2 tuần được bác sĩ chích 2 mũi thuốc điều trị thai ngoài tử cung thì chị gặp sự cố. Bác sĩ cho chị đi siêu âm lại thì mới tá hỏa phát hiện chị mang thai đôi: Cái thai trong đã bị sẩy còn thai ngoài vẫn phát triển. Chị Thúy phải mổ gấp vì có nguy cơ bị vỡ tử cung.

Bác sĩ Huỳnh Quốc Hiếu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, những trường hợp chẩn đoán nhầm như trên là có. Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cho rằng chẩn đoán nhầm là điều đáng tiếc khó tránh khỏi, có thể do các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm chưa rõ ràng.

Đã là con người, ai cũng có thể nhầm lẫn. Nhưng những thiếu sót, nhầm lẫn trong việc khám chữa bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Do đó, ngành y phải giảm đến mức tối đa những sai sót. Bộ Y tế đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Các bệnh viện khi áp dụng hệ thống này sẽ hạn chế được sai sót; công tác điều trị được chuẩn hóa; kiểm soát chặt chẽ hơn công tác khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ tài liệu, hồ sơ của bệnh viện... Đặc biệt, việc áp dụng ISO 9001:2000 tại bệnh viện sẽ triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, bệnh nhân sẽ được coi là khách hàng của bệnh viện, được hưởng các dịch vụ chăm sóc tốt, nhanh nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN