Tháng 4, nhận thấy nhu cầu máy thở tăng mạnh tại nhiều nước, ông Phạm Nhật Vượng quyết định đầu tư vào sản phẩm này - thiết bị đóng vai trò sống còn trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), nhưng cũng là mặt hàng khan hiếm trên thế giới ở thời điểm đó, với nhu cầu bổ sung lên tới 800.000 chiếc.
Tỉ phú giàu nhất Việt Nam tin rằng Vingroup có thể chế tạo máy thở trong thời gian ngắn hơn và với mức chi phí rẻ hơn. Sử dụng thiết kế nguồn mở từ hãng chế tạo Medtronic Plc, Vingroup nộp đơn xin phép sản xuất máy thở vào giữa tháng 4. Máy thở của Vingroup có giá khoảng 7.000 USD, thấp hơn 30% so với mẫu máy nguyên bản của Medtronic.
Tập đoàn cũng cho biết có thể đạt công suất chế tạo 55.000 máy/tháng ngay sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận và có kế hoạch xuất khẩu mặt hàng này tới những nước có nhu cầu. “Chúng tôi muốn cùng với Chính phủ Việt Nam đối phó với đại dịch”, ông Phạm Nhật Vượng bày tỏ trong một buổi trả lời phỏng vấn tại trụ sở của Vingroup tại Hà Nội.
Chế tạo máy thở không nằm trong chương trình của Vingroup, nhưng khi khủng hoảng xuất hiện, ông Vượng nhắm tới mặt hàng này với một chiến dịch quảng bá toàn cầu tham vọng hơn: Xuất khẩu xe hơi của Việt Nam ra thế giới. Theo ông, “bài học rút ra là trong khủng hoảng luôn có cơ hội và chúng ta phải đưa ra quyết định đúng, hành động nhanh”.
Trước đó, tháng 12/2019, ông Vượng tuyên bố VinFast sẽ phát triển mẫu xe hơi chạy điện và xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2021, đồng thời cam kết mức đầu tư 2 tỉ USD vào dự án chế tạo ô tô.
Điều mà tỉ phú Phạm Nhật Vượng khao khát chính là sự công nhận của quốc tế, nhất là tại Mỹ và đó cũng là mong muốn chung của Việt Nam. Ông thừa nhận tại Mỹ vẫn có những người coi Việt Nam là nước nghèo, lạc hậu, không thể sản xuất ra được các mặt hàng hiện đại, công nghệ cao. Thành công trong việc đưa sản phẩm của Vingroup ra toàn cầu - dù là xe hơi, hay máy thở - có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn của thế giới về Việt Nam.
Theo Bloomberg, máy thở có thể là bước tiếp thị chiến lược ra thị trường thế giới. Nếu Vingroup có năng lực sản xuất ở ngưỡng như ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố, điều đó sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt máy thở trên toàn cầu. Và khi máy thở của Vingroup hoạt động hiệu quả, tập đoàn này sẽ chứng tỏ được năng lực của mình trong việc chế tạo một thiết bị tinh vi, đáng tin cậy.
Mark Mobius là nhà sáng lập quỹ đầu tư Mobius Capital Partners. Ông đã đầu tư ở Việt Nam trong hơn một thập kỉ qua. Đánh giá về ông Phạm Nhật Vương, Mark Mobius cho rằng có rất ít các công ty trên thế giới kiểu như Vingroup, tham vọng của ông Vượng rất nổi bật và sẽ là một chiến thắng lớn khi giúp "nâng tầm" Việt Nam trở thành "một người chơi toàn cầu".
Theo người đứng đầu Vingroup, những diễn biến hiện tại sẽ tiếp thêm quyết tâm để tập đoàn mở rộng ra toàn cầu. Vingroup vẫn dự tính thuê vài trăm kĩ sư để mở rộng trung tâm thiết kế và nghiên cứu ở Australia – địa điểm sẽ phát triển mẫu xe mới và ô tô điện của VinFast.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế, hai mẫu máy thở của Vingroup đã đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật ban đầu và đang được thử nghiệm lâm sàng. Ông cho biết Vingroup sẽ được cấp phép sản xuất đại trà máy thở sau khi có kết quả thử nghiệm chính thức trong tháng này. Hiện mới có 85 công nhân tham gia vào dây chuyền sản xuất máy thở đặt tại nhà máy Vinsmart, với công suất 160 chiếc/ngày.
Nhìn nhận quyết định đầu tư này, ông Phạm Nhật Vượng cho biết dự án sản xuất máy thở hoàn toàn bắt nguồn từ mục đích đóng góp cho xã hội tại thời điểm cấp bách, nó mang tính tức thời và trước đó Vingroup không có kế hoạch mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này. Điều đó cũng đúng với triết lý kinh doanh của vị tỉ phú giàu nhất Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên hãng tin Bloomberg, ông Vượng bày tỏ mong muốn Vingroup làm dày thêm danh sách “những thứ đầu tiên” mà tập đoàn này làm tại Việt Nam. “Tôi luôn nói với đồng nghiệp là: Đừng để cuộc đời trôi đi một cách vô nghĩa. Đừng để đến cuối đời mà chẳng có gì đáng để ghi nhớ hoặc truyền lại. Sẽ là một cái kết đáng buồn nếu như cuộc đời của bạn không tạo ra chút giá trị gia tăng nào”, tỉ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
Trong bài viết chuyên sâu, Bloomberg cũng điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Vingroup. Nó được khởi nguồn từ quyết định trở về Việt Nam năm 2000 của ông Phạm Nhật Vượng. Để rồi sau gần 20 năm, Vingroup đã phát triển thành một tập đoàn đa lĩnh vực, với doanh thu năm 2019 đạt khoảng 5,6 tỉ USD.