Ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ đã đi kiểm tra tại 2 phòng khám trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm (212 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa) và Phòng khám Family Medical Practice (298 Kim Mã, quận Ba Đình).
Tại Phòng khám Thiên Tâm, 2 bác sĩ người Trung Quốc được đăng ký hành nghề, thời điểm kiểm tra đều có mặt. Phòng khám cũng có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, kiểm tra tại phòng khám ngoại, khám phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình, khu vực phòng chờ bệnh nhân… cho thấy, trang thiết bị phòng khám rất hạn chế, cơ sở hạ tầng còn nhếch nhác.
Đặc biệt, phòng xét nghiệm máy móc thiết bị gần như không có gì đáng kể, nhân viên xét nghiệm cũng không có. Tại phòng khám phụ sản và phòng kế hoạch hóa gia đình, cũng không có xô xử lý dụng cụ sau khi làm thủ thuật theo đúng quy định, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. “Phòng khám tư nhân lẽ ra phải làm tốt hơn cơ sở công lập thì mới hút được bệnh nhân, nhất là phải đảm bảo an toàn bệnh nhân, chống nhiễm khuẩn, chống sốc. Với phòng khám này, nhìn vào phòng khám phụ khoa, cơ sở vật chất nhếch nhác, dụng cụ sơ sài, chống nhiễm khuẩn cũng không đạt…”, Bộ trưởng Bộ Y tế lo ngại.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn kiểm tra Bộ Y té thanh, kiểm tra Phòng khám Thiên Tâm. Ảnh: Tuấn Dũng |
Qua kiểm tra sổ sách cho thấy, Phòng khám Thiên Tâm hoạt động đúng phạm vi chuyên môn song sổ sách không đúng mẫu của Bộ Y tế, việc ghi chép không đầy đủ. Đáng nói, không thể kiểm tra được việc kê đơn của bác sĩ người Trung Quốc. Trong khi, theo quy định, các bác sĩ người nước ngoài kê đơn, chỉ định điều trị phải có một bản phiên dịch sang tiếng Việt và phòng khám phải lưu cả hồ sơ bệnh án bằng tiếng nước ngoài do bác sĩ trực tiếp kê và phiếu đã phiên dịch tiếng Việt. Tuy nhiên, thực tế, sổ theo dõi khám chữa bệnh tại Phòng khám Thiên Tâm chỉ viết sơ sài tên bệnh nhân, ngày khám bằng tiếng Việt. Bộ trưởng Bộ Y tế nhận xét: “Khám chữa bệnh mà không lưu sổ sách là không thể chấp nhận được. Như vậy, hôm sau bệnh nhân đến khám lại bác sĩ sẽ không thể biết bệnh nhân mắc bệnh gì, hôm trước khám đã chỉ định ra sao”.
Một thành viên đoàn kiểm tra cũng cho biết, việc ghi Bảng niêm yết giá dịch vụ y tế tại phòng khám được dán một cách sơ sài; đáng chú ý là qua kiểm tra hồ sơ sổ sách cho thấy có nhiều danh mục kỹ thuật được phòng khám niêm yết trong bảng giá dịch vụ nhưng không có trong hồ sơ các danh mục mà phòng khám được cấp phép. Đặc biệt, phòng khám cũng thực hiện quảng cáo một số kỹ thuật quá phạm vi cho phép. Đơn cử, tại Phòng khám hiện vẫn có một bảng quảng cáo trị liệu bằng phương pháp Leep (dùng trong phụ khoa) nhưng khi kiểm tra tại phòng khám không có máy Leep này.
Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cuối năm ngoái, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm và phát hiện phòng khám này thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Do đó, Thanh tra Sở đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám này thời hạn 4,5 tháng và phạt hành chính 120 triệu đồng. Phòng khám vừa mới được hoạt động trở lại cách đây chưa lâu.
Còn theo BS Lê Quang Sơn, phụ trách Phòng khám Thiên Tâm, “Phòng khám Thiên Tâm có 8 bác sĩ. Trước đây, trung bình mỗi ngày 1 bác sĩ khám khoảng 5 bệnh nhân, còn hiện nay trung bình một ngày 1 bác sĩ chỉ khám khoảng 2 bệnh nhân”, bác sĩ Lê Quang Sơn, phụ trách Phòng khám cho biết.