Để giải quyết vấn đề này, HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành dự thảo Nghị quyết về đề án hạn chế xe cá nhân để trình kỳ họp HĐND thông qua vào đầu tháng 7 tới với lộ trình sẽ dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Dự thảo Nghị quyết này đang thu hút sự quan tâm của dư luận về tính khả thi của đề án.
Mật độ người và phương tiện rất đông trên đường Giải Phóng đoạn gần bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải công cộng phát triển với tốc độ "rùa bò" trong khi dân số và phương tiện cá nhân tăng nhanh khiến hạ tầng giao thông của Thủ đô trở nên quá tải kèm theo những hệ lụy là khói bụi, tiếng ồn, ùn tắc giao thông. Đáng lo ngại hơn nguy cơ này có thể tiếp tục gia tăng trong 5 - 10 năm tới.
Năng lực không đáp ứng nhu cầu Cách đây hơn 10 năm, khi khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) mới đưa vào hoạt động còn vắng người, phương tiện thưa thớt, từ đường Giải Phóng vào khu đô thị còn phải cắm các biển cảnh báo đề phòng cướp giật. Ngay cả đường Giải Phóng, trục hướng tâm cửa ngõ phía Nam thành phố cũng thông thoáng, cư dân Linh Đàm chỉ cần chục phút là có thể vượt được hơn 10 km vào trung tâm thành phố.
Ngày nay, với sự gia tăng dân số kèm theo phương tiện cá nhân theo cấp số nhân đã gây sức ép lên hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, khiến khu vực này trở thành một điểm nóng về ùn tắc giao thông.
Mặc dù trong những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông thành phố Hà Nội đã được quy hoạch và đầu tư mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kết cấu hạ tầng giao thông (giai đoạn 2011-2016) về chiều dài đường bộ là 3,85%/năm, về diện tích đất dành cho giao thông là 0,25%/năm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.
Về phương tiện giao thông, theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 5,25 triệu xe máy, 485.955 ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện ngoại lai tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô đạt 10,2%/năm, của xe máy đạt 6,7%/năm.
Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20 km/giờ thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống giao thông đường bộ, (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường trong nội đô thời gian qua.
Phương tiện giao thông cá nhân gia tăng mất kiểm soát kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khi có xu hướng tăng.
Theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID thực hiện, trong 3 tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” gia tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của thành phố là 123 (ở mức kém), nồng độ bụi mịn PM 2.5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia. Có 37 ngày nồng độ PM 2.5 trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn quy chuẩn quốc gia và 47 ngày vượt quá giới hạn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Đáng chú ý, hoạt động giao thông vận tải được xác định chiếm tới 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Với số lượng và tốc độ phát triển phương giao thông như hiện nay sẽ là nhân tố tác động lớn đến môi trường không khí, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Không thể chậm trễ
Dải phân cách cứng gần trạm chờ của xe buýt BRT được lắp đặt trên đường Giảng Võ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Khi đề cập đến vấn đề sự cần thiết quản lý tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân trong việc hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giao thông Đô thị và Nông thôn Phạm Hoài Chung cho rằng, việc tăng cường quản lý phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội là hết sức cần thiết và không thể chậm trễ.
Theo bà Phạm Hoài Chung, với mức tăng trưởng 3,9%/năm về chiều dài và 0,25%/năm về diện tích mặt đường trong giai đoạn 2010 – 2015 thì diện tích mặt đường dành cho lưu thông và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh hiện đang bị quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu đi lại và nhu cầu đỗ xe của người dân.
Bên cạnh đó, tất cả các cửa ngõ vào Hà Nội đều kết nối bằng đường “cao tốc” như cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn; Hà Nội – Ninh Bình; đại lộ Thăng Long và hàng loạt các quốc lộ được nâng cấp cải tạo như quốc lộ 1, quốc lộ 6, quốc lộ 32, quốc lộ 3… đã tăng cường khả năng kết nối đối ngoại nhưng cũng tạo áp lực rất lớn cho hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố do các phương tiện từ các tỉnh về Hà Nội.
Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông ngày càng phức tạp đòi hỏi phải có các giải pháp để giải quyết các vấn nạn trên.