Video dự án Hattoco 110 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội đã hoàn thành phần thô, nhưng "bỏ hoang" từ năm 2017 đến nay chưa bàn giao cho các hộ dân.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: Chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi hiện nay được chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội thống kê, trong tổng danh mục 3 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án. Như vậy, còn tới gần 350 dự án “treo” rải khắp thủ đô, khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, lãng phí tài nguyên đất…
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án “ôm” đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Tuy nhiên, thành phố cũng cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí tài nguyên đất; đồng thời, ban hành chế tài xử phạt nặng đối với chủ đầu tư, nhằm tăng cường quản lý đầu tư công và loại bỏ nhà đầu tư yếu kém.
Theo Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng, đáng lo ngại nhất hiện nay trong quản lý xây dựng là việc các chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính, thậm chí có chủ đầu tư thực hiện dự án với số vốn “0 đồng”. Khi được chính quyền chấp thuận dự án thì thế chấp vay vốn ngân hàng và khi có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 là rao bán sản phẩm theo hình thức góp vốn. Còn nếu không huy động được vốn, thị trường trầm lắng, cung vượt cầu, thì chủ đầu tư dừng hoặc triển khai dự án “ì ạch”.
Thực tế, tại nhiều địa phương hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tình trạng quản lý, cấp phép cho các chủ đầu tư xây dựng các dự án bất động sản bị xem nhẹ, cộng với hình thức “phạt cho tồn tại” như luật bất thành văn… đây chính là những “kẽ hở” để các dự án “bất động” nêu trên diễn ra. Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tới đây, khi thẩm tra, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2015 sẽ tập trung vào hướng quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm, cụ thể tới từng dự án, từng địa phương; đồng thời, đưa ra các giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề vi phạm xây dựng và quản lý xây dựng.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc quy định trách nhiệm xử lý, quản lý của Bộ Xây dựng và các địa phương, trong đó có TP Hà Nội đã được quy định rõ tại Điều 77, 78 Luật Kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án ngày từ đầu liên quan đến nhiều luật như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản… Vì vậy, khi xác định vi phạm cần phải làm rõ vi phạm ở giai đoạn nào, từ đó mới xác định được trách nhiệm ở khâu nào.
“Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các địa phương thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản. Còn trách nhiệm của các địa phương là thanh kiểm tra, xử lý, thu hồi, tạm dừng, đình chỉ… nếu dự án có sai phạm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 11 về các giải pháp ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng có văn bản số 14/BXD 19/7/2019 gửi các địa phương về xử lý các dự án vi phạm. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 11, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm theo các luật liên quan. Sau đó, thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí để người dân nắm bắt thông tin”, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.
“Việc thu hồi các dự án đã có đầu tư hạ tầng cơ bản không dễ, nhưng nếu kiên quyết thu hồi mới phát hiện ra được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đây. Việc thu hồi càng chậm, thì Nhà nước càng thất thu ngân sách từ sử dụng đất tại dự án đó. TP Hà Nội và các địa phương có dự án bỏ hoang, chậm triển khai, cần cân nhắc việc áp thuế sử dụng đất cao, nhằm đảm bảo Nhà nước sẽ thu được ngân sách và không phải tốn nguồn lực giải quyết hậu quả”, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho hay.