Tỉnh Ninh Bình hiện có 7 khu công nghiệp tập trung (KCN) đã vận hành, trong đó có các KCN lớn là: Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp, với tổng diện tích 807 ha. Các KCN này đã thu hút 60 dự án, trong đó có 15 dự án vốn đầu tư nước ngoài, trên 40 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, các KCN phát triển đã kéo theo sự gia tăng lao động và vấn đề nhà ở cho người lao động trong các KCN cũng ngày càng trở nên bức xúc.
Cơ sở may gia công quần áo xuất khẩu Minh Đạo (Ninh Bình). Ảnh: Trần Việt – TTXVN |
Theo thống kê của Ban quản lý các KCN Ninh Bình, trong 13.000 lao động đang làm việc tại đây chỉ có 25% số lao động có nhà ở, còn lại 75% đều có nhu cầu về nhà. Chỉ có khoảng 10% cán bộ quản lý, kỹ sư, nhân viên văn phòng thu nhập cao là có nhu cầu mua nhà, thuê nhà ở cao cấp.
Còn lại, công nhân có mức thu nhập bình quân từ 1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng/người/tháng nên họ chỉ đủ khả năng thuê những căn hộ giá rẻ để ở. Mặc dù tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 44 ha nhà ở cho người lao động thuộc KCN Gián Khẩu và Khánh Phú, nhưng đến nay mới chỉ là “mô phỏng” trên giấy(!).
Được biết, tỉnh Ninh Bình đã chỉ định Nhà máy sản xuất ô tô Thành Công và Nhà máy thép Pomihoa làm chủ đầu tư xây dựng, nhưng 2 chủ đầu tư này còn đang “dè dặt” vì việc xây nhà cho người lao động ở tỉnh gần như không có hiệu quả nên việc đầu tư sẽ rất khó.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Ban quản lý các KCN cho biết: Cùng với tốc độ phát triển các KCN là sự gia tăng của các khu nhà trọ tạm bợ, song cũng không đáp ứng được nhu cầu thuê nhà với giá rẻ do quỹ đất của các hộ dân có hạn.
Theo thống kê của Công an xã Gia Tân (Gia Viễn), hiện toàn xã có 280 hộ cho thuê nhà trọ, với trên 3.000 lao động đăng ký tạm trú, tạm vắng. Trung bình mỗi tháng cộng các khoản tiền điện, tiền nước, tiền nhà, mỗi người phải trả khoảng 250.000 đồng.
Vẫn biết việc ăn ở, sinh hoạt trong các khu nhà này gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng công việc, khả năng tái sản suất sức lao động, nhưng phần lớn công nhân vẫn phải chấp nhận. Từ bài toán khó là cung không đủ cầu đã dẫn đến việc chủ cho thuê nhà ép giá và phát sinh nhiều vấn đề xã hội tiêu cực khác.
Bùi Thị Loan, một công nhân Công ty may Việt Ý (KCN Gián Khẩu) tâm sự: "Tháng nào làm tốt, không phải nghỉ thì thu nhập mới đạt 1,3 triệu đồng, chi phí ăn uống đắt đỏ như hiện nay mà không thuê nhà rẻ thì làm sao còn tiền tích lũy về cho gia đình(!)"...
Đây thực sự là vấn đề nan giải mà tỉnh Ninh Bình chưa tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng. Với tốc độ phát triển các KCN và tình hình gia tăng lao động như hiện nay, dự kiến đến năm 2020, tổng số công nhân làm việc trong các KCN tập trung trên địa bàn khoảng 60.000 người.
Nếu ước tính 50% trong số đó có nhu cầu thuê nhà với diện tích tối thiểu 10 m2 cho một công nhân, thì tổng diện tích dự kiến nhà cho người lao động thuê tại các KCN tập trung tại Ninh Bình là 300.000 m2. Giải quyết được vấn đề này là hết sức khó khăn.
Những năm qua, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển đổi mục đích sang phát triển công nghiệp ở Ninh Bình không phải là nhỏ. Nhưng nếu tỉnh không có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư các dự án xây nhà ở cho người lao động giá rẻ và các chủ doanh nghiệp KCN vì lợi nhuận mà quên cả quyền lợi của người lao động thì người lao động không biết sẽ ăn, ở thế nào?
Thu Hà